Các ‘Bên Thắng Cuộc’ thắng ai?

Một buổi tưởng niệm 30 tháng Tư tại Little Saigon, California.

Thiện Ý


Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4, ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, nhà đương quyền Việt Nam tự nhận là “Bên thắng cuộc” thường tổ chức ăn mừng như một ngày “Đại thắng Mùa Xuân”. Trong khi những tổ chức chính trị, xã hội và người Việt quốc gia hay là người Việt Nam không cộng sản ở hải ngoài thì thường tổ chức tưởng niệm như một “Ngày Quốc Hận”.

Bài viết này nhằm xác định rõ thực chất cũng như thực tế về ngày 30-4-1975: Ai thắng ai?

Theo ý nghĩa từ ngữ thông thường, trong một cuộc chiến tranh “Bên thắng cuộc” là bên đã đánh bại hoàn toàn đối phương, sau khi đối phương đầu hàng hay bị tiêu diệt, đưa cuộc chiến tranh đến kết thúc. Chẳng hạn Thế Chiến II (1939-1945) đã kết thúc sau khi Phe Trục thua cuộc (Đức-Ý-Nhật) phải đầu hàng phe thắng cuộc Đồng Minh (Mỹ-Anh-Pháp-Nga-Trung). Vậy thì ngày 30-4-1975 kết thúc chiến tranh Việt Nam, ai thắng ai?

Như chúng tôi đã trình bày trong nhiều bài viết và cả một cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, rằng đó là cuộc chiến tranh giữa hai phe, bốn bên. Hai phe đó là (1) phe xã hội chủ nghĩa và (2) phe tư bản chủ nghĩa (Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu); với bốn bên (1) Liên Xô và Trung quốc, (2) bên Hoa Kỳ và đồng minh (Ngoại chiến), (3) bên Việt cộng và (4) bên Việt quốc (nội chiến quốc-cộng). Cả hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, nên thường gọi chung là cuộc “Chiến tranh Việt Nam”. Cuộc chiến này đã chấm dứt vào ngày 30-4-1975, sau khi bên cộng sản Bắc Việt đánh bại hoàn toàn bên quốc gia Nam Việt, thôn tính được Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Như vậy theo ý nghĩa từ ngữ thông thường, phe xã hội chủ nghĩa đã thắng phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh cục bộ tại Việt nam, vì đã giành thêm lãnh địa toàn cõi Việt Nam cho phe XHCN để thực hiện tham vọng cộng sản hóa toàn cầu. Hay nói cách khác một cách cụ thể là các bên ngoại chiến Liên Xô và Trung quốc đã thắng bên Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến tranh cục bộ Việt Nam. Đồng thời, bên nội chiến Việt cộng cũng đã thắng bên nội chiến Việt quốc trong “cuộc chiến tranh quốc-cộng” tại Việt Nam (một giai đoạn của cuộc “Nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng”, hai giai đoạn kia là “Tiền chiến tranh Quốc-Cộng” (1930-1954) và “hậu chiến tranh Quốc-Cộng” từ 1975 đến nay vẫn chưa kết thúc).

Thế nhưng theo nhận định của chúng tôi, đó chỉ là chiến thắng biểu kiến (coi vậy chứ không phải vậy). chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm (1954-1975) nhưng đã kết thúc nhanh gọn, bị động và bất ngờ cho cả hai bên nội chiến Quốc-Cộng (nhưng không bất ngờ với các bên ngoại chiến); cùng với diễn biến các sự kiện vào những ngày tháng cuối cùng trước và sau khi kết thúc cuộc chiến một cách không bình thường, tựa hồ như một kịch bản tiền định… Vì nếu việc kết thúc chiến tranh Việt Nam quả là một “thắng lợi thật” của phe XHCN trong đó có “bên thắng cuộc” Việt cộng, thì tình hình Việt Nam và thế giới phải biến chuyển theo chiều hướng khác với thực tế kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975. Tỷ như phe XHCN phải khai thác triệt để “Chiến thắng của cách mạng Việt Nam” để đẩy mạnh các cuộc “chiến tranh cách mạng, chiến ntranh giải phóng” để cộng sản hóa các nước trong vùng và các vùng nghèo đói khác trên thế giới. Thế nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, chẳng cần nói ra thì ai cũng đã biết. (1)

Vì vậy, chúng tôi cho rằng sự kết thúc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30-4-1975 như thế không phải là thắng lợi thực sự và chung cuộc của phe này (phe xã hội chủ nghĩa và Việt cộng) với phe kia (phe tư bản chủ nghĩa và Việt quốc) mà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế “chiến lược toàn cầu mới” (The New Globle Trategy) của các cường quốc cực nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, sau khi các mục tiêu và lợi ích chiến lược trong vùng các bên ngoại chiến đã thành đạt thông qua cuộc chiến Việt Nam. Do đó, Hoa Kỳ đã chủ động đưa cuộc chiến tranh Việt Nam đến kết thúc, để khởi động cho một tiến trình đưa “các bên thắng cuộc” (phe XHCN và Việt cộng ) đến “thua cuộc hoàn toàn” để đi vào “Chiến lược toàn cầu mới” (2)

Thực tế quả đã diễn biến đúng như vậy. Vì chỉ 15 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Liên Xô “Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” và hầu hết các nước XHCN trên thế giới đã sụp đổ tan tành (1990-1991). Tất cả đã chuyển đổi qua “chế độ dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do (vốn là nội dung chủ yếu của thế chiến lược toàn cầu mới). Như vậy là phe XHCN đã “thua cuộc hoàn toàn” trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hình thành sau Thế Chiến II,diễn ra dưới hai hình thái “Chiến Tranh Lạnh “ (The Cold War) giữa các nước giầu và “Chiến tranh Nóng” (The Hot War) nơi một số các nghèo, trong đó có Việt Nam.. Nghĩa là cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu coi như chấm dứt sau 16 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam.(1975-1991), là thua cuộc hoàn toàn và vĩnh viễn.

Bên thắng cuộc Việt cộng, nằm trong phe XHCN, trong cuộc chiến tranh Việt Nam hôm qua, tất nhiên cũng không tránh khỏi số phận là “bên thua cuộc hoàn toàn” trong cuộc “nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” tại Việt Nam, khi quá trình tiêu vong đã, đang diễn ra và sắp đi đến kết thúc. Nghĩa là chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị cộng sản dưới bảng hiệu “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam” (ngụy danh, ngụy nghĩa) cũng đã và đang trên quá trình tiêu vong để hình thành một chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng với “ nền kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa”; dù thực tế đảng và nhà cầm quyền CSVN (đỏ vỏ xanh lòng) hiện nay vẫn cố ngụy biện để kéo dài tuổi thọ, rằng Việt Nam đang đi theo con đườngkinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; nhưng không thể cưỡng lại chiều hướng mới không thể đảo ngược của “chiến lược toàn cầu mới” của các cường quốc cực (dân chủ hóa về chính trị, thị trường tự do hóa về kinh tế…), cũng như chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam.(tất yếu Việt Nam phải đi đến dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do phát triển…)

Tựu chung, căn cứ vào diễn biến các sự kiện không bình thường trước và sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975, chúng tôi cho rằng Liên Xô, Trung quốc và phe xã hội chủ nghĩa trong đó có “bên thắng cuộc” Việt cộng, chỉ đạt được “Chiến thắng biểu kiến” (giả tạo),có tính giai đoạn; do nhu cầu thay đổi thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực, mà Hoa Kỳ đã chủ động thực hiện kịch bản đưa cuộc chiến tranh Việt nam đi đến kết thúc. Chính xác hơn có thể nói: Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975 như thế, đã chỉ là thắng lợi của các bên ngoại chiến trong hai phe xã hội chủ nghĩa (đứng đầu là Liên Xô…) và tư bản chủ nghĩa (đứng đầu là Hoa Kỳ…)vì các lợi ich chiến lược quân sự và kinh tế họ đã thành đạt thông qua cuộc chiến. Chính các bên nội chiến (Việt cộng và Việt quốc) trong hai phe mới là các bên thua cuộc hoàn toàn. Vì đã tri tình (Việt cộng) hay ngay tình (Việt quốc) làm công cụ chiến lược một thời cho các bên ngoại chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, sát hại lẫn nhau và tàn phá tan hoang đất nước, dẫn đến tụt hâu sau chiên tranh.

Vậy xin hỏi bên Việt cộng tự nhận là “Bên thắng cuộc” hàng năm có nên tiếp tục ăn mừng ngày 30-4-1975, ngày kết thúc cuộc chiến tranh “cốt nhục tương tàn” như một chiến thắng nữa hay thôi?- Đồng thời, khi chúng tôi viết bài này, thì hội nghị Thượng Đỉnh Liên Triều vừa diễn ra và kết thúc tốt đẹp (27-4-2018). Qua các tường thuật và hình ảnh được truyền đi khắp thế giới đã gây xúc động lòng người. Cá nhân người viết không khỏi rưng rưng nước mắt khi liên tưởng đến tình cảnh Quê Hương Đất Nước mình. Qua Thông cáo chung của Thượng đỉnh Liên Triều đã thể hiện tình tự dân tộc cao độ, khởi sự cho một tiến trình hòa giải hòa hợp dân tộc đầy triền vọng tốt đẹp cho nhân dân và đất nước Triều Tiên.

Nhân dân Việt Nam tự hỏi: Không biết những người lãnh đạo đảng và nhà đương quyền Việt Nam có suy nghĩ, so sánh gì với Triều Tiên, một nước có số phận không may như Việt Nam cùng rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, hình thành sau Thế Chiến II. Thế nhưng đảng Lao Động Triều Tiên (tên gọi khác của đảng cộng sản bản xứ) đã khôn ngoan hơn đảng CSVN, là sau cuộc chiến tranh 3 năm (1950-1953) xâm chiếm miền Nam bị liên quân Nam Hàn và Hoa Kỳ dưới ngọn cờ Liên Hiệp quốc đánh bại, đã ngưng chiến, tạo thế lực quân sự (chế tạo hạt nhân, hỏa tiễn đạn đạo…) để 65 năm sau cuộc chiến (1953-2018) đã tạo được thế lực mạnh, chủ động đi bước trước thực hiện hòa giải dân tộc qua hội nghị thượng đỉnh với chế độ cộng hòa Nam Hàn; và chủ động thương lượng tay đôi với đại cường quốc Hoa Kỳ qua hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều tiên Kim Jong Un dự trù diễn ra vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 tới đây. Trong khi, đảng CSVN (trong chiến tranh lấy tên là đảng Lao động Việt Nam) thì hiếu chiến và thiếu khôn ngoan hơn, trong quá khứ đã dùng bạo lực chiến tranh để thống nhất đất nước, với cái giá núi xương sông máu dân Việt, làm tan hoang đất nước, để lại hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho dân tộc.

Vậy người dân xin hỏi những người lãnh đạo đảng CS và nhà nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (ngụy danh, ngụy nghĩa) hôm nay có dám noi gương các lãnh đạo đảng Lao Động Triều Tiên và nhà cầm quyền chế độ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, .chủ động và thực tâm khởi động tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc theo đúng ý nghĩa chân chính của cụm tự này, chứ không phải chỉ là thủ đoạn chính trị và chiêu bài lừa mị như bao lậu nay? Câu trả lời xin dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đảng viên đảng CSVN đã nắm độc quyền quyền thống trị toàn cõi đất nước 43 năm sau cuộc chiến. (1975-2018) và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam coi như đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn, như ông Tổng Trọng đã thú nhận bằng sự hoài nghi rằng: không biết đến cuối Thế kỷ này đã có được xã hội “ xã hội chủ nghĩa “ hay không.

Thiện Ý

Houston, ngày 28 tháng 4 năm 2018.

Ghi chú: (1), (2):

Trong tài liệu viết cho “Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam”năm 1976, người viết đã đưa ra nhận định, rằng “Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, chẳng phải là thắng lợi của phe này đối với phe kia, mà chỉ là vị sự thay đổi thế chiến lược quốc tế của các cường quốc cực mà thôi…”; để sau đó đưa ra lời kêu gọi những người CSVN, rằng “chúng tôi khẩn thiết kêu gọi những người đang miệt mài xây một “Thiên đường cộng sản” trên đất nước này cần xét lại. Bởi vì biên giới quốc gia muôn đời vẫn là cái giới hạn mà các dân tộc sống chung phải bảo vệ trên hết và trước hết…” ; và rằng “Chỉ có đứng trên lập trường dân tộc, dưới ánh sáng chủ nghĩa yêu nước,chúng ta mới có thể tìm ra được con đường đúng nhất, có lợi nhất cho dân tộc Việt Nam, phù hợp với ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, chứ không phải là tham vọng của những kẻ cầm quyền…”.

Tài liệu quay roneo dày khoảng 30 trang này người viết đã nhờ một người (Bs. N.T.T hiện sống tại Canada) là bạn thiếu thời và cũng là đồng hương Quảng Trị với Ks.Lê Hãn, Trưởng nam của cố TBT Lê Duẫn, chuyển tài liệu này đến thân phụ Ông. Chúng tôi không rõ tài liệu này có đến tay ông Lê Duẩn hay không.

Tất cả những nhận định và lời kêu gọi trên, chúng tôi có in lại trong cuốn “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới” của Thiện Ý, ấn hành tháng 4-1995, tái bản năm 2005-

Xin vào đọc thêm chi tiết tại: luatkhoavietnam.com, Mục “Diễn Đàn”, Tiểu mục “Tác giả-Tác phẩm” để đọc tác phẩm- Xin vào Tiểu mục “Hội luận-Phỏng vấn” để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả về tác phẩm này (Tháng 5-1995), có nhắc lại lời kêu gọi trên.