7 người chết trong vụ tấn công một quán bar ở Burundi

Mỹ dự định loại Burundi ra khỏi chương trình ưu đãi thương mại vì hành động trấn áp ngày càng tệ hại đối với phe đối lập chính trị ở nước này, sau khi Tổng thống Nkurunziza trở lại cầm quyền.

Các phần tử vũ trang tấn công một quán bar ở thủ đô Bujumbura của Burundi tối thứ Bảy, giết chết ít nhất 7 người.

Các nhân chứng cho hay những kẻ tấn công đã ra lệnh cho những người ở bên ngoài vào bên trong tòa nhà, rồi họ bắt đầu nổ súng. Những người chứng kiến nói các phần tử vũ trang này mặc đồ cảnh sát.

Quốc tế đang lo ngại về tình hình bạo động gia tăng tại quốc gia ở trung Phi này tiếp theo sau việc Tổng thống Pierre Nkurunziza bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba đầy tranh cãi.

Người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thông báo hôm thứ Bảy nói rằng Mỹ "đặc biệt lo ngại" về những "phát biểu kích động" của một số giới chức chính phủ và kế hoạch trấn áp của ông Nkurunziza cuối tuần này "làm tăng rủi ro bùng nổ bạo động lớn ở Burundi."

Chính phủ ra lệnh mọi người phải giao nộp vũ khí trước ngày thứ Bảy, 7 tháng 11, nếu không sẽ gánh chịu hậu quả.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng ông dự định loại Burundi ra khỏi chương trình ưu đãi thương mại của Mỹ vì hành động trấn áp ngày càng tệ hại đối với phe đối lập chính trị ở nước này, sau khi ông Nkurunziza trở lại cầm quyền.

Quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba của ông Nkurunziza đã làm nhiều người dân Burundi phẫn nộ. Họ nói rằng ông Nkurunziza vi phạm hiến pháp và vi phạm Hiệp ước Arusha chấm dứt cuộc nội chiến dài 13 năm.

Tổng thống Obama nói rằng bạo động ở Burundi đã "xấu đi đáng kể" trong suốt cuộc vận động tranh cử của ông Nkurunziza.

Nhiều vụ xung đột xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Có những lo ngại rằng tình hình bất ổn sẽ khiến khoảng 200.000 người Burundi tháo chạy khỏi nước, và phần lớn sẽ đi sang Tanzaina hoặc Rwanda kế bên.

Tổ chức Human Rights Watch nói rằng "Burundi dường như đang chìm dần vào bạo động không kiểm soát được. Tình trạng vô luật pháp đáng sợ đang nổi lên".

Nhiều giới chức cầm quyền hình như lợi dụng tình hình này để biện minh cho hành động đàn áp dã man. Những vụ giết người mang động cơ chính trị diễn ra thường xuyên hơn từng ngày, trong khi ít có kẻ giết người nào bị truy tố.