Dân chủ nghĩa là người dân có quyền cử ra những người điều khiển, ra lệnh cho mình. Chế độ dân chủ là những thể thức đặt ra để thực hiện điều này. Nhưng mỗi nơi có thể chọn các thể thức khác nhau.
Tăng đoàn thời đức Phật tại thế là một cộng đồng sống theo thể thức dân chủ sớm nhất, các chức vị đều do đại chúng cử ra, mỗi người một phiếu. Truyền thống đó vẫn giữ từ 25 thế kỷ qua, nhưng chỉ áp dụng trong lãnh vực tư. Trên bình diện quốc gia, các thành thị Hy Lạp được coi là đi bước đầu. Muốn cho thật là dân chủ, tránh cảnh người bỏ phiếu bị đe dọa, mua chuộc, hay bị đánh lừa, Athens có lúc dùng cách quay xổ số, bốc thăm để chọn người cai trị! Dân chủ thật! Ai cũng có thể lên nắm quyền! Nhưng ở Athens, chỉ một thiểu số người được bỏ phiếu. Nhiều hiền triết lẫy lừng cũng không được bỏ phiếu, vì họ là nô lệ, không phải công dân. Cho nên các thể thức dân chủ không đủ. Phải có tự do, phải tôn trọng những quyền căn bản của mọi con người.
Có tự do, có nhân quyền rồi, mỗi quốc gia vẫn lựa chọn các thể thức dân chủ khác nhau. Nước Mỹ là một liên bang đã tổ chức chọn tổng thống qua hai bước. Bước thứ nhất là dân mỗi tiểu bang đi bỏ phiếu lựa chọn. Sau đó khoảng sáu tuần lễ sẽ họp Cử tri đoàn (Electoral College) ai thắng ở tiểu bang nào sẽ nhận được tất cả các phiếu dành cho tiểu bang đó, trừ Maine và Nebraska. Cử tri đoàn hiện có 538 người, mỗi tiểu bang có một số phiếu lớn bằng tổng số dân biểu và nghị sĩ của họ.
Hiến pháp Mỹ chỉ áp dụng thể thức này sau khi ghi thêm Tu chính án số 12, vì muốn tránh không tái điễn cuộc kiểm phiếu hỗn loạn giữa hai ứng cử viên Jefferson và Burr, năm 1800.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tố cáo hệ thống bầu cử Mỹ không đúng, ông đã nhiều lần nói rằng các cuộc bỏ phiếu bị “rigged,” nghĩa là được xếp đặt để gian lận. Trước ngày bỏ phiếu năm 2012, ông Trump báo động rằng ứng cử viên Mitt Romney (Cộng Hòa) có thể được nhiều người dân bỏ phiếu ủng hộ, chiếm đa số “phiếu phổ thông,” nhưng sẽ thua ông Barack Obama (Dân Chủ) vì kém phiếu trong cử tri đoàn.
Lời tố giác này đúng sự thật. Gần đến ngày bầu cử, ông Obama nắm phần thắng ở nhiều tiểu bang; mà khi cộng số phiếu cử tri đoàn của các tiểu bang đó lại thì đã cao hơn 270 phiếu rồi. Sau đó ông Obama được hơn ông Romnet gần 4% phiếu phổ thông; nhưng dù thua ông Romney 1.5% phiếu phổ thông thì ông Obama vẫn đủ phiếu Cử tri đoàn để được tái cử.
Nhiều lần khác thì ngược lại. Những năm 2000 và 2016 ứng cử viên đảng Cộng Hòa chiếm toà Bạch Ốc dù thua phiếu phổ thông. Như thế thì lối chọn tổng thống bằng Cử tri đoàn không thiên vị đảng nào. Dân chủ và Cộng Hòa đều có thể chiếm lợi thế nhờ cách thức này. Các nhà chính trị chấp nhận kết quả sau khi kiểm phiếu; vì, cũng như đá banh hoặc đánh cờ, trước khi “tham dự cuộc chơi” họ đã biết “luật giao đấu” như thế nào rồi.
Nhưng phải công nhận rằng khi một tổng thống đắc cử dù thua đối thủ hàng triệu phiếu của dân đi bầu thì coi kỳ quá! Cho nên nhiều người kêu gọi phải đổi. Nhưng sửa đổi thế nào? Và làm cách nào để được hai phần ba mỗi viện quốc hội chấp nhận rồi được hai phần ba số tiểu bang thông qua?
Vì thủ tục tu chính hiến pháp Mỹ phức tạp, khó khăn cho nên không thể nào chỉ xóa bỏ tu chánh án số 12 thành lập Cử tri đoàn, để từ nay dân Mỹ chọn tổng thống bằng đa số phiếu phổ thông. Nếu muốn thay đổi thì chỉ có thể sửa ngay trong thủ tục Cử tri đoàn đang được áp dụng.
Nhưng muốn biết nên sửa đổi chỗ nào thì phải biết tại sao lối bầu qua Cử tri đoàn đã đưa tới những kết quả bất thường.
Nhiều người chỉ trích Cử tri đoàn vì cho rằng thủ tục này lợi cho đảng Cộng Hòa; các vùng nông thôn dân sống rải rác cũng được lợi; và nó thiên vị, ưu đãi các tiểu bang nhỏ, dân số thấp. Nhưng các lời chỉ trích đó không đứng vững.
Thứ nhất, các cuộc bỏ phiếu năm 2000, 2012, 2016 đã cho thấy, đảng nào cũng có thể được lợi nhờ lối bầu qua Cử tri đoàn, không chỉ riêng đảng Cộng Hòa.
Thứ nhì, dân chúng Mỹ sống ở các vùng nông thôn có lợi gì đặc biệt hay không? Có thể nói rằng không. Mười tiểu bang đông nông dân nhất cộng lại chỉ có được 50 trong số 538 phiếu Cử tri đoàn, thua xa con số 55 phiếu dành cho California! Đó là Maine, Vermont, West Virginia, Mississippi, Montana, Arkansas, South Dakota, Kentucky, Alabama và North Dakota. Còn 10 tiểu bang đông người ở đô thị nhất thì chiếm 107 phiếu Cử tri đoàn, trong đó California giành hơn một nửa.
Thứ ba, mới nhìn thì các tiểu bang nhỏ, ít dân, có vẻ được lợi trong việc phân phối phiếu Cử tri đoàn, vì số dân biểu thay đổi theo dân số nhưng tiểu bang nào cũng có hai nghị sĩ. Vì vậy California với gần 40 triệu dân thì được 55 phiếu, còn Wyoming với 587,000 dân được ba phiếu. Ở Wyoming cứ gần 200 ngàn người dân đã có một phiếu Cử tri đoàn trong khi hơn 727 ngàn dân California mới được bỏ một lá phiếu.
Nhưng nhìn kỹ hơn thì chúng ta lại thấy một hình ảnh khác! Một ứng cử viên thua ở Califronia dù chỉ chênh lệch giữa 19.5 triệu phiếu và 20.5 triệu phiếu, cũng mất 55 phiếu Cử tri đoàn. Nghĩa là 19.5 triệu lá phiếu của dân California đã bị vứt bỏ vào thùng rác! Còn 20.5 triệu cử tri thuộc phe thắng ở California chiếm được 55 phiếu Cử tri đoàn, nhiều hơn cả 10 tiểu bang ít dân nhất nước Mỹ dù tổng số dân của họ đông hơn! Tức là nhiều cử tri các tiểu bang lớn lại được biệt đãi.
Tóm lại thì thủ tục bầu tổng thống qua Cử tri đoàn không thiên vị đảng nào, cũng không ưu đãi các vùng nông thôn và các tiểu bang nhỏ, thưa dân. Sự chênh lệch do việc phân phối nhiều phiếu cho mỗi người dân Wyoming hơn dân California khi so sánh thấy không đáng kể, không ảnh hưởng bằng hậu quả của một luật lệ khác. Đó là luật cho phép ứng cử viên thắng ở tiểu bang nào thì chiếm trọn gói các phiếu Cử tri đoàn của tiểu bang đó.
Nếu một người chiếm hơn 50% phiếu ở California, dù chỉ hơn 1000 phiếu, cũng chiếm hết 55 phiếu Cử tri đoàn; muốn bù lại thì phải chiến thắng tại 15 tiểu bang nhỏ nhất nước Mỹ!
Cách tính phiếu “ai thắng tiểu bang nào thì chiếm trọn gói các phiếu Cử tri đoàn ở đó” (winner-take-all) là nguyên nhân chính khiến cho một ứng cử viên có thể được nhiều phiếu phổ thông hơn mà vẫn thua phiếu trong Cử tri đoàn.
Cho nên muốn cải tổ Cử tri đoàn thì phải xóa bỏ luật lệ “được ăn cả, ngã về không - winner-take-all” này. Các tiểu bang Maine và Nebraska đã xóa bỏ luật đó, họ chia phiếu Cử tri đoàn cho mỗi ứng cử viên tổng thống dựa trên số phiếu phổ thông mỗi người nhận được, theo những cách khác nhau.
Nhưng thay đổi luật lệ phân phối phiếu Cử tri đoàn như thế nào, là một điều không dễ; vì sẽ sinh ra các cuộc tranh tụng, coi có vi phạm hiến pháp Mỹ hay không. Một điều may mắn là trong năm qua, Tối cao pháp viện Mỹ đã dưa ra một phán quyết về việc phân phối phiếu trong Cử tri đoàn, phán quyết được cả 9 vị Thẩm phán Tối cao đồng ý. Dựa vào phán quyết đó, người ta có thể cải tổ Cử tri đoàn mà không cần tu chính hiến pháp. Trong một bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu thêm.