Trùng với ngày Cá Tháng Tư năm 2016, lực lượng hải quân “quân với dân như cá với nước” bất chợt lóe sáng: rất có thể là lần đầu tiên, họ đủ can đảm bắt giữ một tàu Trung Quốc.
Vụ việc này xảy ra vào đêm 1/4. Sang ngày 2/4/2016, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng thậm chí còn tổ chức họp báo và loan tải việc cơ quan này đang tạm giữ một tàu chở dầu của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam tại khu vực biển Vịnh Bắc Bộ. Đơn vị tiến hành áp tải được nêu rõ là Biên đội 1 thuộc Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Hải Phòng.
Sự vụ không còn nằm trong vòng thầm lặng. Một khi báo chí nhà nước được bật đèn xanh đăng tải rộng rãi tin này cùng những cuộc phỏng vấn nhấn mạnh “sẽ xử lý bất cứ tàu nào xâm phạm lãnh hải”, có thể hình dung một khả năng: sau nhiều năm cúi đầu không dám hé môi than thở, cuối cùng Việt Nam có vẻ hết chịu nổi những đòn tấn công hèn hạ và dai như đỉa đói của tàu cá và hải quân Trung Quốc.
Quỳ
Nhưng do vụ bắt “Trung Quốc” trên xảy ra đúng vào ngày Cá Tháng Tư nên đã có một số người nghi ngờ rằng đó không phải là tin tức thật, mà chỉ là một trò đùa nổ ra trên mạng, thậm chí ngay trên báo chí nhà nước.
Cho dù tin tức trên cuối cùng được xác nhận là sự thật, không khí nghi ngờ của dư luận cũng phản ánh một thực tế “chỉ thấy mới tin”: người dân hầu như không còn giữ được “đức tin” vào chính thể và hải quân Việt Nam.
Tính từ thời điểm tàu Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 2 ngay tại hải phận Việt Nam vào cuối năm 2011 mà chẳng hề hấn gì cho đến nay, chưa bao giờ lực lượng bộ đội biên phòng Việt Nam dám bắt giữ một tàu nào của Trung Quốc, ít ra là trên phương diện loan báo công khai. Tình trạng này càng trở nên u tối và tủi nhục khi tàu Trung Quốc liên tiếp tấn công và giết hại ngư dân Việt trong mấy năm qua.
Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền vào cuối năm trước, một ngư dân Việt là Trương Đình Bảy đã bị một đám người trên “tàu lạ” nhảy sang tàu Việt bắn chết. Vụ việc đẫm máu này cho đến nay rất gần nguy cơ chìm xuồng.
Sau Đại hội XII, trò lưu manh vẫn chẳng có dấu hiệu gì chấm dứt. Chưa bao giờ một kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Việt Nam lại vang lên nhiều tiếng phản đối về thái độ im hơi lặng tiếng của đảng từ những đại biểu sắp mãn nhiệm như vừa qua.
Ngược lại hoàn toàn, Philippines lại nổi bật trên trường quốc tế về liêm sỉ giữ gìn danh thể.
Đứng
Vào giữa năm 2014 khi nổ ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 và quan hệ Việt - Trung chìm sâu nhất trong nhiều thập niên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện một chuyến đi được giới quan sát xem là “đặc biệt” tới Manila. Trước sự hiện diện của Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông là “đặc biệt nguy hiểm”.
Nhưng vào thời điểm đó, không phải Việt Nam mà chính Philippines đã gợi ý về “đối tác chiến lược” - có thể hiểu như một liên minh quân sự nhằm đối phó với dã tâm lộ rõ của con sói Trung Quốc.
Song Thủ tướng Dũng đã im lặng.
Sau khi trở về Việt Nam và trong lúc mối tình Việt - Trung vẫn ồn ào gấu ó, nhiều người chờ đợi ông Dũng “giương cao ngọn cờ thoát Trung” theo cách “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” mà ông đã “bùng nổ” trong thông điệp thủ tướng đầu năm 2014. Nhưng sau cụm ẩn ngữ về “hữu nghị viển vông”, Thủ tướng Dũng đã không chịu hé miệng thêm. Dù một chút.
Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam - nghe nói đã họp nhiều lần về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines - vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ: ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.
Cũng cho tới nay, đã không có bất cứ động tác kiên quyết nào của phía Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về “Đường lưỡi bò”.
Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, tình trạng cay đắng của nhà nước Việt Nam từ nhiều năm qua là dù họ đã thủ sẵn trong túi chẵn một chục đối tác chiến lược, kể cả “đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc” và “người bạn Nga truyền thống”, nhưng không một bàn tay nào chìa ra cho Việt Nam với tư cách đồng minh trong vụ HD 981.
Song hiện thực ngược ngạo là không phải “láng giềng gần” mà chính những “bà con xa” như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7/2014, không phải Quốc hội Việt Nam mà chính Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng của Trung Quốc.
Cũng kể từ giữa năm 2014, Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên hiệp quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tháng 8/2014, Philippines mạnh tay đưa 12 ngư dân Trung Quốc ra tòa để tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Sau sự kiện chấn động đó cho đến tận bây giờ, Bắc Kinh không hề lồng lộn lên như vẫn thường đối xử với Hà Nội.
Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích lũy qua thời gian. Với quyết định “bắt Trung Quốc”, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng “kiện Trung Quốc” của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội.
Thực tâm hay ‘đạo diễn’?
Khác hẳn thế dám đứng dậy của Philippines, sau vụ giàn khoan HD 981 và cho đến gần đây, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.
Giờ đây, sự thể đang dồn lên vai Nhà nước Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Mãi cho tới gần đây, điều đáng phẫn nộ là xã hội Việt Nam vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ “tàu lạ” mà không thoát nổi cơn nghẹn họng. Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn giết hại ngư dân, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.
Khi không khí “kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế” đã dần lịm tăm, những tin tức về ngư dân Việt Nam bị phá sản lại càng lan truyền khắp nơi. Không một vũ khí trong tay và còn chưa được vay vốn với lãi suất thấp để đóng tàu vỏ sắt như lời hươu vượn của giới quan chức cao cấp lẫn các đại gia ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều gia đình ngư dân Việt đang phải bó gối nhìn tôm cá lũ lượt chui vào lưới tàu Trung Quốc.
Rất nhiều lần người dân phải gào lên: Quân chủng Hải quân Việt Nam đã đầy “dũng khí bám bờ” như thế nào, trong lúc đồng bào ngư dân của họ vẫn phải kiên trì bám biển…
Trong bối cảnh quá thê thiết ấy, hiện tượng lực lượng bộ đội biên phòng Việt Nam lần đầu tiên dám bắt giữ một tàu cá Trung Quốc vào tháng 4/2016 và còn cho báo chí nhà nước đăng tải thông tin này công khai đã khiến dư luận ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn khi vụ bắt giữ này diễn ra ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Giả thiết gần nhất đối với dư luận xã hội là có thể phía Việt Nam đã phát hiện ra một âm mưu đủ quy mô và đủ thâm độc của Trung Quốc trong việc lấn chiếm lãnh hải Việt Nam, do đó bắt buộc phải tỏ ra kiên quyết hơn trong đối phó với tàu Trung Quốc.
Nhưng còn nhiều cách hiểu khác, nhất là khi niềm tin dân chúng đã bị đảng cầm quyền ở Việt Nam xúc phạm ghê gớm không chỉ một lần. Một luồng dư luận cho rằng vụ bắt giữ trên chỉ là một cách của Bộ Chính trị mới nhằm đối phó tạm thời với làn sóng lên án dâng cao của người dân, kể cả sức ép trong nội bộ đảng về thực trạng Nhà nước Việt Nam “thần phục Trung Quốc”.
Cũng có thể một số lãnh đạo nào đó của Việt Nam không muốn bị quá mang tiếng là “Lê Chiêu Thống”…
Hoặc tệ hơn nhiều, đó là một kịch bản đã được “đạo diễn”…
Nhưng dù gì chăng nữa, nếu không thể dứt khoát được quan điểm chấm dứt đu dây và bằng hành động rời xa “Bạn vàng” càng sớm càng tốt, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải chứng kiến một cái chết chắc chắn của dân tộc và của với chính họ trong tương lai rất gần.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.