Việt Nam vừa bắt giữ một chiếc tàu lớn đang đổ chất thải nghi từ cảng Nghi Sơn xuống biển Nghệ An.
Báo Người Lao Động hôm 12/9 trích nguồn tin từ Đồn biên phòng Quỳnh Phương, Bộ đội biên phòng Nghệ An, cho biết hiện chiếc tàu xả thải đang bị tạm giữ sau khi bị bắt quả tang đang đổ chất thải được cho là nguy hiểm xuống khu vực biển Đồng Hồi, xã Quỳnh Lập của tỉnh Nghệ An.
Khi bị bắt, chiếc tàu mang biển số LA-032.66 đã xả hết 10 khoang chất thải xuống biển, chỉ còn 2 khoang chưa xả.
Tin cho hay chất thải “dạng bùn đất” được nghi là chất thải được mang ra từ cảng gang thép Nghi Sơn để đem đổ xuống biển.
Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) cho biết cảng Nghi Sơn có hợp đồng nạo vét với công ty TNHH Hiệp Thành và số chất thải trên là bùn, đất nạo vét luồng lạch của cảng này.
Cũng theo VOV, Công ty Hiệp Thành cho biết Ủy ban tỉnh Thanh Hóa đã chấp chuận cho đổ chất thải tại 7 vị trí của biển Thanh Hóa và việc chiếc tàu trên đem đổ chất thải xuống biển Nghệ An là trái phép. Thuyền trưởng của chiếc tàu khai nhận mỗi ngày đổ xuống biển khoảng 200 tấn chất thải.
Your browser doesn’t support HTML5
Vụ bắt giữ tàu xả thải diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa môi trường biển do hệ thống xả thải của nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây ra, khiến hải sản chết hàng loạt, nhiều khu vực biển bị nhiễm độc và nhiều cư dân địa phương bị mất nguồn sinh kế cho tới nay.
Linh mục Đặng Hữu Nam, giáo xứ Phú Yên, hạt Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, người đã công khai kêu gọi đóng cửa nhà máy Formosa, nhận định với VOA về hiện tượng ô nhiễm môi trường hàng loạt hiện đang diễn ra tại Việt Nam:
“Về vấn đề này, tôi nhận định là đây quả thật có một bàn tay không chỉ về vấn đề môi trường của Việt Nam, mà còn liên quan đến vấn đề chủ quyền của đất nước.”
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, việc nhà nước Việt Nam đòi Formosa bồi thường 500 triệu đôla là không thấm tháp gì so với những thiệt hại to lớn đã gây ra tại Việt Nam.
Linh mục Nam cho biết: “Sự thật, theo các nhà khoa học, để biển của Việt Nam trở lại như trước đây thì phải dừng ngay mọi hoạt động gây ô nhiễm trên biển và phải đầu tư rất nhiều tiền của, có thể phải mất từ 50 – 70 năm để cải tạo môi trường. Đó là con số quá lớn nếu đem so với con số 500 triệu đô”.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói theo luật pháp Việt Nam, ngoài việc phải bồi thường thỏa đáng các thiệt hại, công ty Formosa Hà Tĩnh còn phải bị truy tố về trách nhiệm hình sự vì đã gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng.
Về vụ bắt giữ tàu xả thải, báo Dân Trí trích lời ông Bạch Hưng Cử, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết chi cục đã phối hợp với trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường lấy mẫu chất thải gửi đi kiểm định.