Tổng thống Donald Trump vấp phải một trở ngại chính trị trong tuần này khi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện hoãn việc bỏ phiếu để cải tổ hệ thống chăm sóc y tế, một trong những cam kết chủ yếu của ông Trump trong thời gian vận động tranh cử. Các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đang cố gắng hồi sinh các nỗ lực cải tổ hệ thống y tế, tuy nhiên hãy còn nhiều chia rẽ về một lĩnh vực vốn chiếm tới 1/6 nền kinh tế Mỹ, và đã gây hoang mang cho cả hai đảng chính trị lớn ở Mỹ trong suốt một thế hệ. Phóng viên Jim Malone của VOA có thêm chi tiết sau đây:
Kết quả của nỗ lực cải cách hệ thống y tế sẽ có hệ quả vô cùng lớn đối với Tổng thống Trump giữa lúc ông đang cố gắng thực hiện một cam kết chủ yếu đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử, là bãi bỏ và thay thế Obamacare.
Ông Trump nói:
"Chúng tôi đang xem xét một hệ thống chăm sóc y tế sẽ làm rạng danh đất nước chúng ta, một hệ thống y tế mà sau rốt, sẽ chăm lo cho sức khỏe của người dân vì những lý do đúng đắn, và với giá cả hợp lý."
Nhưng nỗ lực của đảng Cộng hòa tại Thượng viện bị đình trệ trong bối cảnh có nhiều tiếng nói phản đối ở điện Capitol, và chia rẽ giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa về một dự luật có thể khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ, trong đó có thượng nghị sĩ Chuck Schumer, quyết chống đối.
Ông Schumer nói:
"Người dân Mỹ không ủng hộ việc giảm thuế cho những người Mỹ giàu có nhất, và cũng không đồng ý với việc cắt giảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ. Đó là lý do tại sao dự luật này chỉ được khoảng 17% người ủng hộ trên toàn nước Mỹ, và ngay cả những người đã bầu cho ông Trump, cũng không thích dự luật này."
Ông Trump và các thành viên đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ John Barrasso, nhấn mạnh Obamacare đã thất bại và đã đến lúc Quốc hội phải hành động.
Ông Barrasso nói:
“Obamacare có thể ví như một chiếc xe buýt đang lao xuống vực thẳm. Các thành viên đảng Dân chủ bảo hãy cứ ở lại trên xe. Chúng tôi (bên đảng Cộng hòa), đang cố gắng giải cứu người Mỹ khỏi chiếc xe buýt này.”
Cải cách chương trình chăm sóc y tế là một điểm nóng chính trị đã kéo dài cả một thế hệ, bắt đầu với những nỗ lực thất bại của Tổng thống Bill Clinton hồi năm 1993, khi Đệ nhất Phu nhân lúc bấy giờ, là bà Hillary Clinton, dẫn đầu nhóm cải cách.
Tuy nhiên, chuyên gia Matthew Fiedler thuộc viên Brookings nói nỗ lực của đảng Cộng hòa là một rủi ro về mặt chính trị:
"Tôi nghĩ là không có nghi ngờ gì, nếu dự luật này trở thành luật, số người mất bảo hiểm y tế sẽ rất cao. Quan điểm cá nhân của tôi là điều đó, cuối cùng sẽ dẫn đến các hậu quả chính trị nghiêm trọng cho đảng Cộng hòa."
Bà Andra Gillespie, thuộc đại học Emory cho biết thất bại trong cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế cũng có thể làm tổn thương tổng thống:
"Chúng tôi muốn xem liệu cử tri có thấy Tổng thống Trump làm đúng như những tuyên bố của ông, và đáp ứng những kỳ vọng cao đặt vào ông, liệu ông ấy có giữ những lời hứa hẹn của ông hay không."
Dù cho ông Trump có muốn đạt được thắng lợi cách mấy đi nữa để thông qua luật chăm sóc y tế, mức ủng hộ thấp dành cho ông trong các cuộc thăm dò, có thể hạn chế nỗ lực của ông tìm cách thuyết phục các thành viên Đảng Cộng hoà vốn đã có thái độ hoài nghi, không mấy tin tưởng nơi ông.