Báo đảng Trung Quốc ca ngợi nghị quyết nhân quyền LHQ do Bắc Kinh dẫn đầu

Afghan Special Forces attend their graduation ceremony in Kabul.

Sự độc quyền của Tây phương về nhân quyền đã bị giáng một cú bởi quyết định của Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết do Trung Quốc dẫn đầu nói rằng sự phát triển thúc đẩy nhân quyền, một bài xã luận đăng trên tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố hôm thứ Bảy.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm thông qua một nghị quyết do Trung Quốc dẫn đầu về "Sự đóng góp của Phát triển đối với Sự thụ hưởng Tất cả Nhân quyền," là lần đầu tiên họ thông qua một nghị quyết về các vấn đề phát triển, Tân Hoa Xã đưa tin.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết nghị quyết được đồng tài trợ bởi hơn 70 quốc gia.

"Suốt một thời gian dài, tiến trình và thảo luận về nhân quyền quốc tế đã bị chiếm độc quyền bởi các chính phủ phương Tây," tờ Nhân dân Nhật báo nói trong bài xã luận ngày thứ Bảy.

"Một số người phương Tây thường sử dụng chiêu bài nhân quyền để xuất khẩu các giá trị của họ và thậm chí sử dụng chúng để can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia khác," bài xã luận viết.

"Việc đưa khái niệm 'phát triển thúc đẩy nhân quyền' vào hệ thống nhân quyền quốc tế cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong cuộc đối thoại về nhân quyền toàn cầu," tờ báo này nói.

Trung Quốc lâu nay vẫn đối mặt với những chỉ trích về thành tích nhân quyền kém cỏi của mình từ các tổ chức quốc tế và các chính phủ phương Tây lên tiếng chống lại việc bóp nghẹt xã hội dân sự, cũng như việc kiểm duyệt và giam giữ những luật sư và nhà hoạt động nhân quyền.

Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ những chỉ trích của nước ngoài, nói rằng định nghĩa nhân quyền mà phương Tây sử dụng là quá hẹp và phớt lờ những nỗ lực mà Trung Quốc đã thực hiện để giảm nghèo và bảo đảm quyền được đi học và không bị đói kém.

Trước áp lực thường xuyên từ Hội đồng Quyền Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã tìm cách giành sự ủng hộ của các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc, thường là những nước đang phát triển, về các vấn đề nhân quyền để khắc phục điều mà họ coi là khuyết điểm trong hệ thống hiện tại.

Tuần trước, Hy Lạp đã ngăn chặn một tuyên bố của Liên minh Châu Âu trước hội đồng có nội dung chỉ trích thành tích nhân quyền của Trung Quốc, một quyết định mà các nhà ngoại giao EU nói là làm suy yếu những nỗ lực đương đầu với Bắc Kinh về những vụ đàn áp mới nhất nhắm vào quan điểm bất đồng.

Trung Quốc trước đó đã từ chối cho phép nhập cảnh một số phái viên được Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm và những người khác được phép đến thăm. Những người này than phiền về sự can thiệp của chính phủ vào công tác của họ, dù chính phủ đã cam kết hợp tác với cơ quan này vào tháng 9 năm ngoái.