Tại cuộc gặp hôm Chủ nhật (30/6), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đồng ý thúc đẩy đối thoại để tạo bước đột phá mới trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Reuters dẫn truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 1/7 nói.
Ông Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến Bắc Triều Tiên hôm 30/6, khi ông gặp ông Kim tại Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên và đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.
“Các lãnh đạo hàng đầu của hai nước cũng đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ trong tương lai, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại hữu ích để tạo ra một bước đột phá mới trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và trong quan hệ song phương”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói.
Được khởi xướng bởi một dòng tweet của ông Trump mà ông Kim nói đã khiến ông bất ngờ, cuộc gặp thể hiện mối quan hệ giữa hai người, nhưng các nhà phân tích nói họ không tiến gần tới việc thu hẹp khoảng cách quan điểm của họ kể từ khi rời khỏi hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam hồi tháng 2, theo Reuters.
Ngay trước khi rời Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói với các phóng viên rằng một vòng đàm phán mới có thể sẽ xảy ra “vào một thời điểm nào đó trong tháng Bảy” và các nhà thương thuyết Triều Tiên sẽ là các nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao.
Trong một bức ảnh do KCNA công bố hôm 1/7, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho và Ngoại trưởng Pompeo được trông thấy ngồi cạnh ông Kim và ông Trump ở Freedom House, tòa nhà mà hai lãnh đạo đã có cuộc hội đàm trực tiếp.
KCNA cho biết, trong cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Kim, hai nhà lãnh đạo đã giải thích “các vấn đề về việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”, “các vấn đề cùng quan ngại và quan tâm đang trở thành trở ngại trong việc giải quyết các vấn đề đó”, và “bày tỏ sự thông hiểu thấu đáo và cảm thông”.
Ông Kim nói rằng chính mối quan hệ cá nhân tốt đẹp mà ông có với ông Trump đã khiến một cuộc gặp gỡ kịch tính như vậy chỉ diễn ra bằng một thông báo trong vòng một ngày, và mối quan hệ với ông Trump sẽ tiếp tục mang lại kết quả tốt đẹp, KCNA nói.
Vẫn theo KCNA, “quyết định táo bạo và dũng cảm” của hai nhà lãnh đạo đã dẫn đến cuộc gặp lịch sử, “tạo ra sự tin tưởng chưa từng có giữa hai quốc gia” đã bị rơi vào vòng thù địch sâu sắc.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, hoan nghênh cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim và “ủng hộ hoàn toàn những nỗ lực liên tục của các bên nhằm thiết lập quan hệ mới hướng tới hòa bình bền vững, an ninh và việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được trên bán đảo Triều Tiên”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric tuyên bố.
Trung Quốc cũng hoan nghênh cuộc gặp mà một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói là “mang tính xây dựng và đạt được các kết quả tích cực”.
Nhưng vấn đề có thể vẫn còn ở phía trước, theo Reuters.
“Thực tế là các cuộc đàm phán hạt nhân đã có những khởi đầu rất đáng khích lệ, nhưng điều đó không có nghĩa là hai bên đã điều chỉnh quan điểm của họ và tạo điều kiện thành công cho các cuộc đàm phán ở cấp độ làm việc”, Reuters dẫn lời ông Kim Hyun-wook, một giáo sư tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, nói.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông John Bolton, đã bác bỏ một bài báo trên tờ New York Times hôm 1/7 cho rằng Washington đang tìm cách làm dịu đi cách tiếp cận của mình, đưa ra ý tưởng chấp nhận chuyện đóng băng hạt nhân, thay vì tháo dỡ hoàn toàn, và đưa ra sự thừa nhận ngầm rằng Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
“Tôi đã đọc câu chuyện trên NYT này vì tò mò”, ông Bolton nói trong một dòng tweet. “Cả nhân viên [Hội đồng An ninh Quốc gia] lẫn tôi không thảo luận hoặc nghe thấy bất kỳ mong muốn ‘đạt thỏa thuận về việc Triều Tiên đóng băng hạt nhân.’ Đây là một âm mưu đáng trách của ai đó nhằm gây trở ngại cho Tổng thống. Cần phải có các hậu quả”.