Báo chí đến Triều Tiên chứng kiến địa điểm hạt nhân đóng cửa

Ảnh vệ tinh địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-Ri của Triều Tiên chụp ngày 14/5/2018.

Một nhóm nhỏ các nhà báo nước ngoài đến Triều Tiên hôm thứ Ba 22/5 để tường thuật về việc Bình Nhưỡng tháo gỡ địa điểm thử nghiệm hạt nhân trong tuần này, nhưng không có truyền thông Hàn quốc tham dự.

Bình Nhưỡng cho phép tiếp cận hạn chế địa điểm để quảng cáo cho lời hứa của nước này ngưng các cuộc thử nghiệm dưới lòng đất và phóng phi đạn đạn đạo. Triều Tiên đơn phương loan báo ngưng các vụ thử nghiệm trước cuộc họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump dự trù diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.

Tám nhà báo Hàn quốc bị loại không được tham dự vì Bình Nhưỡng đã ngưng các cuộc tiếp xúc cấp cao với Seoul để phản đối cuộc tập trận với quân đội Hoa Kỳ--một phản đối mà truyền thông Triều Tiên nhắc lại ngày thứ Ba 22/5, nói rằng không thể trộn lẫn việc vung kiếm với đối thoại.

Những thông điệp như vậy của Triều Tiên và tuyên bố của ông Trump nói ông sẵn sàng bỏ họp thượng đỉnh làm gia tăng những quan ngại vể sự thành công của họp thượng đỉnh và khiến cho tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in phải đến Washington để gặp Tổng thống Donald Trump.

Nhóm nhà báo đã thuê bao một chuyến bay từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng bao gồm các nhà báo Anh, Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nhà báo gồm một toán truyền hình của AP, sẽ ngụ tại một khách sạn tại thành phố cảng trên bờ biển phía đông của Triều Tiên trước khi đi bằng xe lửa đến địa điểm thử nghiệm nằm ở vùng đông bắc Triều Tiên.

Lễ tháo gỡ được dự trù diễn ra trong những ngày tới tùy theo điều kiện thời tiết.

Quyết định của Triều Tiên đóng cửa địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri được xem như một cử chỉ thiện chí của ông Kim Jong Un trước cuộc họp thượng đỉnh với ông Trump.

Triều Tiên đã 6 lần thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất -- trong đó có một vụ thử mạnh mẽ chưa từng có trước đây vào tháng 9 năm ngoái—và ông Kim nói với các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền vào tháng trước là những cuộc thử nghiệm thêm nữa không cần thiết.

Chi tiết về những gì thực sự xảy ra tại vị trí này rất hiếm, nhưng kế hoạch của Bình Nhưỡng chỉ cho các nhà báo thấy việc đóng cửa vị trí này, nhưng không cho các thanh sát viên hạt nhân quốc tế chứng kiến được xem như là một vấn đề đáng quan tâm.

Tuy nhiên quyết định của Triều Tiên không mời truyền thông Hàn quốc là một dấu hiệu bất đồng thêm nữa.

Các nhà báo Hàn quốc hy vọng tham dự chuyến đi này, nhưng bị bỏ lại Bắc Kinh sau khi Triều Tiên từ chối cấp visa cho họ. Chính phủ Hàn quốc bày tỏ thất vọng về quyết định của Triều Tiên nhưng nói vẫn còn hy vọng việc tháo gỡ vị trí này của Triều Tiên vẫn được tiến hành theo kế hoạch và chứng tỏ một bước thực sự tiến về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Việc loại bỏ các nhà báo Hàn quốc,trái với thái độ hòa hoãn giữa hai miền nam Bắc Triều Tiên kể từ khi Hàn quốc tổ chức Thế vận hội mùa Đông vào tháng 2 năm nay, khoét sâu thêm sự đối đầu bắt đầu vào tuần qua khi Bình Nhưỡng có những dấu hiệu cho thấy sẽ hủy bỏ những cuộc thảo luận cấp cao với Seoul để đáp trả cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn quốc.

Cùng với thái độ giận giữ vì cuộc tập trận, Bình Nhưỡng đã cảnh báo là ông Kim có thể “xét lại” cuộc họp thượng đỉnh với Hoa Kỳ vì những bình luận cứng rắn của ông John Bolton, tân cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump.

Ông Bolton cho rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước khi nhận được những quyền lợi tương hỗ từ Washington. Bình Nhưỡng cương quyết nói rằng điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa là Hoa Kỳ chấm dứt “chính sách thù nghịch” đối với Triều Tiên.