Người biểu tình chống chính phủ đã tràn vào các văn phòng của ủy ban bầu cử quốc gia tại Bangkok, đòi các ủy viên phải đáp lại những lời cáo buộc về những khoản tiền đóng góp chính trị bất hợp pháp đã nộp cho Đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Nhưng việc xâm nhập các văn phòng này đã xảy ra rất chớp nhoáng, và các nhà lãnh đạo của Mặt Trận Đoàn kết Dân chủ chống Độc tài đã can thiệp để tránh xảy ra bạo động.
Mặt trận vừa kể, nổi tiếng vì mặc áo mầu đỏ, chủ yếu ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006. Nhóm này muốn ông Abhisit tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Giới lãnh đạo biểu tình nói rằng chính quyền của ông Abhisit được sự hậu thuẫn của quân đội sau khi hai chính phủ thân Thaksin bị tòa án phán quyết là không hội đủ điều kiện.
Trong ba ngày, người biểu tình đã chiếm đóng khu vực Ratchaprasong ở trung tâm Bangkok, một quận thương mại và khách sạn chính. Giới lãnh đạo liên minh áo đỏ đã làm lơ trước lời kêu gọi của cảnh sát và chính phủ đề nghị họ di chuyển.
Theo bộ luật an ninh quốc gia, chính phủ có thể yêu cầu quân đội giúp giải tán người biểu tình, nhưng chính phủ chưa làm như vậy.
Đại diện tổ chức Human Rights Watch, ông Sunai Pasuk nói rằng có nhiều mối lo ngại về bạo động, hoặc là từ phía người biểu tình, hoặc là từ phía chính quyền. Nhưng các cuộc biểu tình, bắt đầu hồi giữa tháng ba, chủ yếu có tính cách ôn hòa.
Ông Pasuk nói: “Kể từ hôm qua, chính phủ đang tỏ ra rất tôn trọng luật pháp và nói rằng thoạt đầu việc chiếm đóng và chận khu vực Ratchaprasong gây gián đoạn cho công cuộc thương mại và giao thông ở Bangkok là bất hợp pháp theo bộ luật an ninh nội địa. Và chính phủ nay đang tìm cách vận động tòa án ủng hộ việc diễn dịch tình hình này.”
Các đại biểu của các hiệp hội thương mại đã họp để đánh gia thiệt hại do các cuộc biểu tình gây ra. Phần đông các cơ sở kinh doanh lớn trong khu vực đã đóng cửa từ hôm thứ Bảy, với thiệt hại cho khu vực này ước tính lên tới hơn 15 triệu đôla mỗi ngày.
Liên đoàn các đại diện du lịch Thái nói rằng riêng ngành du lịch đã thiệt hại khoảng 300 triệu đôla kể từ hồi tháng ba.
Thái Lan đã lâm vào tình trạng bất định chính trị từ 5 năm nay. Ông Thaksin được nhiều sự ủng hộ từ các cộng đồng nông thôn và giới nghèo ở thành thị. Nhưng giới thượng và trung lưu ở thành thị cáo buộc ông là tham nhũng và từ năm 2005 đã bắt đầu các cuộc biểu tình rốt cuộc đưa đến cuộc đảo chính năm 2006.
Ông Thaksin sống ở nước ngoài sau khi chạy trốn một án tù 2 năm vì tội tham nhũng.
Một cuộc giằng co tại Thái Lan giữa người biểu tình và chính phủ của Thủ tướng Abhitist Vejjajiva vẫn tiếp tục. Nhiều người lo ngại bạo động có thể gia tăng sau khi hàng chục người biểu tình xông vào các văn phòng của ủy ban bầu cử. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.