Phiên toà xét xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An ngày 16 tháng 5 kết thúc vào lúc 4 giờ chiều với bản án: Kha bị 8 năm tù và Phương Uyên bị 6 năm tù; ra tù, cả hai đều bị quản chế thêm ba năm nữa. Lúc ấy, ở Úc là bảy giờ tối. Từ đó đến sáng hôm sau, Thứ Sáu 17/5, tôi nhận được cả mấy trăm bức email từ khắp nơi. Có người gửi riêng cho tôi; có người gửi chung trong các mailing list gồm nhiều người. Tất cả đều nói về một chuyện: Phương Uyên. Chỉ có một số ít trình bày dài dòng cảm nghĩ của họ; còn lại, đại đa số, chỉ chuyển các thông tin về phiên tòa mà tôi đã được đọc trên các tờ báo mạng kèm theo vài lời bình ngăn ngắn đầy phẫn nộ.
Số lượng email ấy nói lên điều gì? Chỉ một điều đáng kể nhất: Sự quan tâm và bức xúc của mọi người.
Sau đó, vào các trang báo mạng của các blogger độc lập trong nước cũng như các website ngoài nước, hầu như ở đâu tôi cũng thấy các bài viết về phiên tòa và bản án ấy. Nhiều bài cung cấp những thông tin rất chi tiết, như “Tường thuật phiên tòa 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An” của Dân Làm Báo hay bài “Những chuyện bên trong và chưa nói về phiên tòa xử sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha” của Hải Huỳnh. Đó là chưa kể các bản tin trên nhiều cơ quan thông tấn ở ngoại quốc, trong đó, có BBC và VOA.
Tôi chú ý nhất đến bài “Tiếng nói Uyên, Kha trước tòa, lời cảnh tỉnh cuối cùng cho đảng CSVN” của nhà thơ Hoàng Hưng. Chú ý vì nó sáng suốt, và đặc biệt, mạnh mẽ. Ông cho việc kết án nặng nề đối với Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là một việc làm “phi pháp, phi nghĩa, phản dân phản nước và cũng thật ngu xuẩn”. Ông cũng xem “phiên tòa xét xử Kha, Uyên là một dấu mốc lịch sử trên con đường đấu tranh dân chủ của Việt Nam”. Dấu mốc ấy thể hiện ở mấy điểm chính: Thứ nhất, cả hai đều rất trẻ. Thứ hai, cả hai đều dũng cảm, bất chấp những sự đe dọa hay mua chuộc của công an, dõng dạc khẳng định “Tôi không có tội” hoặc “chỉ có một tội là yêu nước”. Thứ ba, cả hai không những có những nhận định chính trị sâu sắc mà còn có “phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc, hiên ngang” khi đứng trước tòa.
Dường như, liên quan đến phiên tòa, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho mọi người chính là cái phong thái ấy. Khi đăng lại bài phỏng vấn “Việt Nam tuyên án nặng 2 sinh viên chống Trung Quốc” của Trà Mi trên blog Quê Choa của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã sửa lại nhan đề, nhằm làm nổi bật phong thái bất khuất của hai thanh niên yêu nước này: “Suốt phiên tòa, Uyên & Kha đều ngẩng cao đầu”. Đạo diễn Song Chi cũng chú ý và nêu bật phong thái ấy trong bài “Ngẩng cao đầu, tiếp bước nhau vào nhà tù nhỏ”. Nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên Người Việt, xem phong thái ấy là tiêu biểu cho cả một thế hệ mới ở Việt Nam: “Một thế hệ không cúi đầu”.
Báo Diễn Đàn tại Pháp chỉ đăng bức ảnh của Phương Uyên kèm theo câu nói của em trước tòa “Việc tôi làm thì tôi chịu, xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn” dưới một nhan đề đầy ý nghĩa “Dáng đứng Phương Uyên”. Nhà báo Trương Duy Nhất, ở trong nước, cho hình ảnh của Nguyễn Phương Uyên đứng trước tòa là “tuyệt đẹp”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi nhắc đến Phương Uyên, đã dùng chữ “sự bình thản trong suốt” và “tuyệt vời”. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo làm bài thơ lục bát ca ngợi Phương Uyên, xem em như một đóa hoa, một đóa hoa bị bỏ tù.
Theo tôi, vài năm hay nhiều năm nữa, có lẽ người ta sẽ quên các chi tiết liên quan đến phiên tòa và các bản án. Nhưng người ta sẽ nhớ mãi cái hình ảnh, như nhà văn Trần Trung Đạo mô tả: “Cô bé đứng trên bục cao, đôi kính cận có gọng dày, tóc vén cao, áo trắng học trò, thân hình mảnh mai trông giống như một cô bé học sinh 15 tuổi đang đứng trước bảng đen trong lớp học chứ không phải đứng trước tòa án Cộng sản. Em không sợ hãi, không van xin, trầm tĩnh và tinh khôi như một thiên thần.”
Cũng giống như hiện nay, có lẽ không phải ai cũng nhớ các chi tiết liên quan đến phiên tòa xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội ngày 4/4/2011, nhưng tôi tin là nhiều người còn nhớ hình ảnh của ông, hai tay bị còng, ra tòa với bộ đồ vét đen và chiếc cà vạt màu đỏ với những chấm trắng, toát lên vẻ uy nghi của một trí thức khi đối diện với bạo quyền.
Cũng vậy, người ta vẫn còn nhớ và có lẽ sẽ còn nhớ mãi hình ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị một nhân viên an ninh bịt miệng ngay trước tòa án tại Huế vào ngày 30/3/2007 dù có lẽ, không mấy người còn nhớ ông bị buộc tội gì và bị kết án mấy năm tù.
Liên quan đến tòa án, tôi cho đó là ba hình ảnh tiêu biểu nhất cho việc đàn áp dân chúng của chính quyền Việt Nam hiện nay: đàn áp tu sĩ, đàn áp trí thức và đàn áp cả những thanh niên còn trẻ măng không làm gì khác ngoài việc bày tỏ lòng yêu nước hay, nói theo lời các công tố viên khi buộc tội Nguyễn Phương Uyên, là “nói những điều không hay về Trung Quốc”.
Tôi tin những hình ảnh sẽ còn lại mãi. Như, trước đây, trong chiến tranh Việt Nam, những yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất đối với người Mỹ và người Tây phương nói chung, không phải là các bản tin, mà là các bức ảnh, bắt đầu với bức ảnh chụp cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngay tại Sài Gòn vào năm 1963, và sau đó, bức ảnh chụp cảnh cô bé Kim Phúc trần truồng chạy trên đường với vết cháy khắp người do bom napalm gây ra vào năm 1972. Gần 40 năm sau 1975, với rất nhiều người Tây phương, kể cả trong giới trí thức, chiến tranh Việt Nam chỉ còn lại mấy hình ảnh chính. Không có gì khác.
Trước đây, ở cả Tây phương lẫn Đông phương, người ta đều đề cao sức mạnh của ngòi bút, thường ví ngòi bút với lưỡi gươm; thậm chí, với một số người, như Edward G. Bulwer-Lytton, cho ngòi bút còn mạnh mẽ hơn cả lưỡi gươm (the pen is mightier than the sword). Ở Việt Nam, cũng có nhiều người nói như vậy. Khen Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú viết: “Văn chương của ông có sức mạnh bằng mười vạn quân”. Phan Bội Châu cũng từng viết: “Sức vãn hồi bút mạnh hơn gươm.” Trước Phan Bội Châu và Phan Huy Chú, đời Lê, Thân Nhân Trung có lần mơ ước: “Sức bút tung hoàng quét sạch hàng nghìn quân”. Trước đó nữa, vua Trần Thái Tông cũng tâm niệm: “Văn chương phải có thế trận đuổi nghìn quân giặc” (Văn bút tảo thiên quân chi trận). Tuy nhiên, sau này, ở thời đại thông tin, người ta khám phá ra, sức mạnh thực sự không nằm trong chữ nghĩa mà chính là ở hình ảnh.
Trong bài nói chuyện nhan đề “Tính chính trị của hình ảnh” tại Malta vào ngày 4 tháng 6 năm 2008, Tiến sĩ Michael Frendo, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Malta, cho tất cả các chính trị gia đều ý thức rất rõ là một hình ảnh nằm ở trang nhất của các tờ báo có sức mạnh hơn hẳn các bài diễn văn hay bình luận trên tờ báo ấy. Chữ, đọc xong, có khi người ta quên ngay. Chỉ có hình ảnh là còn lại. Frendo cho đó là một đặc điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Ông dẫn lại một nhận xét của Bernard Manin trong cuốn The Principles of Representative Government (1997), cho, trước, sân khấu chính của chính trị chủ yếu nằm ở Quốc hội và các trung tâm đầu não của các đảng phái; sau, nó nằm ở các phương tiện truyền thông đại chúng. Manin gọi đó là nền “dân chủ khán giả” (audience democracy), ở đó, dân chúng chọn lựa giới lãnh đạo qua các hình ảnh họ nhận được từ các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, và gần đây, internet. Trong thời đại của nền “dân chủ khán giả” như thế, hình ảnh trở thành một sức mạnh vạn năng: Chính qua các hình ảnh được chọn lọc kỹ càng, các chính khách trở thành nổi tiếng, gần gũi và đáng tin cậy đối với quần chúng.
Các chế độ độc tài cũng biết cách tận dụng hình ảnh để tuyên truyền và vận động quần chúng. Mặc dù tất cả các lãnh tụ của Nazi, Phát xít và hầu hết các lãnh tụ của Cộng sản đều là những sát thủ đứng đầu trong lịch sử với “thành tích” giết hại có khi cả đến mấy chục triệu người, nhưng, trên các trang báo cũng như trên máy truyền hình, bao giờ họ cũng xuất hiện một cách hiền lành bên cạnh trẻ con. Chính vì vậy, tất cả các chế độ độc tài đều cố hết sức siết chặt các phương tiện truyền thông. Họ kiểm duyệt từng bức ảnh một.
Nhưng nếu các chế độ độc tài duy trì quyền lực bằng cách kiểm soát hình ảnh thì hình ảnh, tự chúng, cũng có sức mạnh đủ để quật ngã các chế độ độc tài ấy. Ai cũng biết yếu tố đầu tiên dẫn đến cuộc cách mạng mùa xuân ở Ai Cập, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Hosni Mubarak vào năm 2011 chính là những bức ảnh chụp thi thể của anh thanh niên Khaled Mohamed Saeed, người bị cảnh sát đánh chết vào ngày 6/6/2010. Hình ảnh thân thể Saeed bị đánh bầm dập với cái miệng há hốc đầy máu me, khi được tung lên mạng, đã khiến hàng triệu người dân Ai Cập phẫn nộ, từ đó, xuống đường biểu tình. Và cách mạng bùng nổ.
Dĩ nhiên, còn quá sớm để có thể nói hình ảnh của một Nguyễn Phương Uyên, một Cù Huy Hà Vũ hay một Nguyễn Văn Lý trước tòa có thể làm thay đổi điều gì ngay ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng sẽ còn lại, như bằng chứng của một tội ác. Với những bằng chứng ấy, bản án dành cho họ trở thành bản án dành cho chế độ.
Một chế độ độc tài và tàn bạo.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Số lượng email ấy nói lên điều gì? Chỉ một điều đáng kể nhất: Sự quan tâm và bức xúc của mọi người.
Sau đó, vào các trang báo mạng của các blogger độc lập trong nước cũng như các website ngoài nước, hầu như ở đâu tôi cũng thấy các bài viết về phiên tòa và bản án ấy. Nhiều bài cung cấp những thông tin rất chi tiết, như “Tường thuật phiên tòa 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An” của Dân Làm Báo hay bài “Những chuyện bên trong và chưa nói về phiên tòa xử sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha” của Hải Huỳnh. Đó là chưa kể các bản tin trên nhiều cơ quan thông tấn ở ngoại quốc, trong đó, có BBC và VOA.
Tôi chú ý nhất đến bài “Tiếng nói Uyên, Kha trước tòa, lời cảnh tỉnh cuối cùng cho đảng CSVN” của nhà thơ Hoàng Hưng. Chú ý vì nó sáng suốt, và đặc biệt, mạnh mẽ. Ông cho việc kết án nặng nề đối với Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là một việc làm “phi pháp, phi nghĩa, phản dân phản nước và cũng thật ngu xuẩn”. Ông cũng xem “phiên tòa xét xử Kha, Uyên là một dấu mốc lịch sử trên con đường đấu tranh dân chủ của Việt Nam”. Dấu mốc ấy thể hiện ở mấy điểm chính: Thứ nhất, cả hai đều rất trẻ. Thứ hai, cả hai đều dũng cảm, bất chấp những sự đe dọa hay mua chuộc của công an, dõng dạc khẳng định “Tôi không có tội” hoặc “chỉ có một tội là yêu nước”. Thứ ba, cả hai không những có những nhận định chính trị sâu sắc mà còn có “phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc, hiên ngang” khi đứng trước tòa.
Dường như, liên quan đến phiên tòa, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho mọi người chính là cái phong thái ấy. Khi đăng lại bài phỏng vấn “Việt Nam tuyên án nặng 2 sinh viên chống Trung Quốc” của Trà Mi trên blog Quê Choa của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã sửa lại nhan đề, nhằm làm nổi bật phong thái bất khuất của hai thanh niên yêu nước này: “Suốt phiên tòa, Uyên & Kha đều ngẩng cao đầu”. Đạo diễn Song Chi cũng chú ý và nêu bật phong thái ấy trong bài “Ngẩng cao đầu, tiếp bước nhau vào nhà tù nhỏ”. Nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên Người Việt, xem phong thái ấy là tiêu biểu cho cả một thế hệ mới ở Việt Nam: “Một thế hệ không cúi đầu”.
Báo Diễn Đàn tại Pháp chỉ đăng bức ảnh của Phương Uyên kèm theo câu nói của em trước tòa “Việc tôi làm thì tôi chịu, xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn” dưới một nhan đề đầy ý nghĩa “Dáng đứng Phương Uyên”. Nhà báo Trương Duy Nhất, ở trong nước, cho hình ảnh của Nguyễn Phương Uyên đứng trước tòa là “tuyệt đẹp”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi nhắc đến Phương Uyên, đã dùng chữ “sự bình thản trong suốt” và “tuyệt vời”. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo làm bài thơ lục bát ca ngợi Phương Uyên, xem em như một đóa hoa, một đóa hoa bị bỏ tù.
Theo tôi, vài năm hay nhiều năm nữa, có lẽ người ta sẽ quên các chi tiết liên quan đến phiên tòa và các bản án. Nhưng người ta sẽ nhớ mãi cái hình ảnh, như nhà văn Trần Trung Đạo mô tả: “Cô bé đứng trên bục cao, đôi kính cận có gọng dày, tóc vén cao, áo trắng học trò, thân hình mảnh mai trông giống như một cô bé học sinh 15 tuổi đang đứng trước bảng đen trong lớp học chứ không phải đứng trước tòa án Cộng sản. Em không sợ hãi, không van xin, trầm tĩnh và tinh khôi như một thiên thần.”
Cũng giống như hiện nay, có lẽ không phải ai cũng nhớ các chi tiết liên quan đến phiên tòa xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội ngày 4/4/2011, nhưng tôi tin là nhiều người còn nhớ hình ảnh của ông, hai tay bị còng, ra tòa với bộ đồ vét đen và chiếc cà vạt màu đỏ với những chấm trắng, toát lên vẻ uy nghi của một trí thức khi đối diện với bạo quyền.
Cũng vậy, người ta vẫn còn nhớ và có lẽ sẽ còn nhớ mãi hình ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị một nhân viên an ninh bịt miệng ngay trước tòa án tại Huế vào ngày 30/3/2007 dù có lẽ, không mấy người còn nhớ ông bị buộc tội gì và bị kết án mấy năm tù.
Liên quan đến tòa án, tôi cho đó là ba hình ảnh tiêu biểu nhất cho việc đàn áp dân chúng của chính quyền Việt Nam hiện nay: đàn áp tu sĩ, đàn áp trí thức và đàn áp cả những thanh niên còn trẻ măng không làm gì khác ngoài việc bày tỏ lòng yêu nước hay, nói theo lời các công tố viên khi buộc tội Nguyễn Phương Uyên, là “nói những điều không hay về Trung Quốc”.
Tôi tin những hình ảnh sẽ còn lại mãi. Như, trước đây, trong chiến tranh Việt Nam, những yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất đối với người Mỹ và người Tây phương nói chung, không phải là các bản tin, mà là các bức ảnh, bắt đầu với bức ảnh chụp cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngay tại Sài Gòn vào năm 1963, và sau đó, bức ảnh chụp cảnh cô bé Kim Phúc trần truồng chạy trên đường với vết cháy khắp người do bom napalm gây ra vào năm 1972. Gần 40 năm sau 1975, với rất nhiều người Tây phương, kể cả trong giới trí thức, chiến tranh Việt Nam chỉ còn lại mấy hình ảnh chính. Không có gì khác.
Trước đây, ở cả Tây phương lẫn Đông phương, người ta đều đề cao sức mạnh của ngòi bút, thường ví ngòi bút với lưỡi gươm; thậm chí, với một số người, như Edward G. Bulwer-Lytton, cho ngòi bút còn mạnh mẽ hơn cả lưỡi gươm (the pen is mightier than the sword). Ở Việt Nam, cũng có nhiều người nói như vậy. Khen Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú viết: “Văn chương của ông có sức mạnh bằng mười vạn quân”. Phan Bội Châu cũng từng viết: “Sức vãn hồi bút mạnh hơn gươm.” Trước Phan Bội Châu và Phan Huy Chú, đời Lê, Thân Nhân Trung có lần mơ ước: “Sức bút tung hoàng quét sạch hàng nghìn quân”. Trước đó nữa, vua Trần Thái Tông cũng tâm niệm: “Văn chương phải có thế trận đuổi nghìn quân giặc” (Văn bút tảo thiên quân chi trận). Tuy nhiên, sau này, ở thời đại thông tin, người ta khám phá ra, sức mạnh thực sự không nằm trong chữ nghĩa mà chính là ở hình ảnh.
Trong bài nói chuyện nhan đề “Tính chính trị của hình ảnh” tại Malta vào ngày 4 tháng 6 năm 2008, Tiến sĩ Michael Frendo, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Malta, cho tất cả các chính trị gia đều ý thức rất rõ là một hình ảnh nằm ở trang nhất của các tờ báo có sức mạnh hơn hẳn các bài diễn văn hay bình luận trên tờ báo ấy. Chữ, đọc xong, có khi người ta quên ngay. Chỉ có hình ảnh là còn lại. Frendo cho đó là một đặc điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Ông dẫn lại một nhận xét của Bernard Manin trong cuốn The Principles of Representative Government (1997), cho, trước, sân khấu chính của chính trị chủ yếu nằm ở Quốc hội và các trung tâm đầu não của các đảng phái; sau, nó nằm ở các phương tiện truyền thông đại chúng. Manin gọi đó là nền “dân chủ khán giả” (audience democracy), ở đó, dân chúng chọn lựa giới lãnh đạo qua các hình ảnh họ nhận được từ các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, và gần đây, internet. Trong thời đại của nền “dân chủ khán giả” như thế, hình ảnh trở thành một sức mạnh vạn năng: Chính qua các hình ảnh được chọn lọc kỹ càng, các chính khách trở thành nổi tiếng, gần gũi và đáng tin cậy đối với quần chúng.
Các chế độ độc tài cũng biết cách tận dụng hình ảnh để tuyên truyền và vận động quần chúng. Mặc dù tất cả các lãnh tụ của Nazi, Phát xít và hầu hết các lãnh tụ của Cộng sản đều là những sát thủ đứng đầu trong lịch sử với “thành tích” giết hại có khi cả đến mấy chục triệu người, nhưng, trên các trang báo cũng như trên máy truyền hình, bao giờ họ cũng xuất hiện một cách hiền lành bên cạnh trẻ con. Chính vì vậy, tất cả các chế độ độc tài đều cố hết sức siết chặt các phương tiện truyền thông. Họ kiểm duyệt từng bức ảnh một.
Nhưng nếu các chế độ độc tài duy trì quyền lực bằng cách kiểm soát hình ảnh thì hình ảnh, tự chúng, cũng có sức mạnh đủ để quật ngã các chế độ độc tài ấy. Ai cũng biết yếu tố đầu tiên dẫn đến cuộc cách mạng mùa xuân ở Ai Cập, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Hosni Mubarak vào năm 2011 chính là những bức ảnh chụp thi thể của anh thanh niên Khaled Mohamed Saeed, người bị cảnh sát đánh chết vào ngày 6/6/2010. Hình ảnh thân thể Saeed bị đánh bầm dập với cái miệng há hốc đầy máu me, khi được tung lên mạng, đã khiến hàng triệu người dân Ai Cập phẫn nộ, từ đó, xuống đường biểu tình. Và cách mạng bùng nổ.
Dĩ nhiên, còn quá sớm để có thể nói hình ảnh của một Nguyễn Phương Uyên, một Cù Huy Hà Vũ hay một Nguyễn Văn Lý trước tòa có thể làm thay đổi điều gì ngay ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng sẽ còn lại, như bằng chứng của một tội ác. Với những bằng chứng ấy, bản án dành cho họ trở thành bản án dành cho chế độ.
Một chế độ độc tài và tàn bạo.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.