Đường phố khu thương mại thủ đô Manama nhộn nhịp trở lại, chưa đầy một tháng sau khi các nhà hoạt động đối lập dựng các rào cản trong khu vực này và lực lượng quân sự vùng Vịnh được đưa vào để vãn hồi trật tự.
Hôm Chủ Nhật, Thủ tướng Khalifa bin Salman al-Khalifa loan báo cuộc sống tại quốc gia này đã trở lại bình thường.
Tuy nhiên trong khi nhiều cư dân Bahrain tiếp tục những hoạt động thường ngày, theo cảm nghĩ chung của những chuyên gia tài chánh, nền kinh tế của nước này sẽ phải trải qua một thời gian dài khó khăn để rũ bỏ hậu quả của những xáo trộn dân sự.
Cơ quan đánh giá quốc tế Capital Intelligence đã hạ giảm mức tín nhiệm của Bahrain hôm thứ Tư và mô tả viễn cảnh của quốc gia này là tiêu cực.
Theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế Bharain cũng chậm hơn so với tiên đoán trước đây.
Tuy nhiên chính phủ Bahrain vẫn lạc quan.
Ông Jamal Fakro, phó chủ tịch Quốc hội hay còn được gọi là Hội đồng Shura, tin là hậu quả tài chánh của cuộc khủng hoảng chỉ có tính cách ngắn hạn.
Ông nói: “Tôi có thể nói là trong vài tháng tới sẽ cho chúng ta thấy chúng ta có khả năng phục hồi nhanh chóng như thế nào, nhưng chắc chắn tôi không thấy có vấn đề gì to tát cả.”
Bahrain có một trong những nền kinh tế đa dạng nhất tại vùng Vịnh, với những dịch vụ tài chánh đóng góp vào khoảng 20% tổng sản lượng quốc gia GDP, làm lu mờ cả sự đóng góp của lãnh vực dầu hỏa.
Kể từ khi những xáo trộn tại Bahrain bắt đầu, có nhiều tin tức cho thấy một số ngân hàng đang thảo luận về khả năng tái phối trí những hoạt động của họ sang khu vực láng giềng như Dubai, Abu Dhabi hay Doha. Tuy nhiên ông Farkhro giảm nhẹ những tin đồn đó.
Ông Farkhro nói: “Không ai nói đến chuyện di dời trụ sở. Điều chúng ta nghe, và đây là chuyện bình thường, là một số ngân hàng và định chế tài chánh đã chuyển một ít nhân viên ra khỏi Bahrain. Và các ngân hàng đã bắt đầu đưa nhân viên trở về lại và các định chế này bắt đầu trở lại hoạt động như thường lệ, Và hoàn toàn không có một định chế tài chánh nào loan báo muốn rút các hoạt động ra khỏi Bahrain.”
Trong khi các công ty hiện hữu vẫn không có gì thay đổi, nhiều chuyên gia, như bà Jane Kinninmont thuộc Chatham House có trụ sở tại London nói đưa những công việc doanh thương mới đến Bahrain chắc chắn có nhiều khó khăn hơn.
Bà Kinninmont nói: “Thật không may là những diễn biến mới đây sẽ làm tổn hại đến khả năng của Bahrain thu hút đầu tư mới và thu hút nhiều tài năng mới hoạt động trong lãnh vực dịch vụ tài chánh vì phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của Dubai, nơi không phải đối đầu với những xáo trộn như tại Bahrain.”
Những cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bahrain vào giữa tháng hai vừa qua trong đó những người biểu tình hầu hết là đa số người Hồi Giáo Shia, đòi hỏi được bình đẳng nhiều hơn và được đại diện nhiều hơn trong chính phủ do người Sunni lãnh đạo.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói một cuộc đàn áp xảy ra sau đó bởi nhà cầm quyền Bahrain đã làm ít nhất 27 người thiệt mạng, ở cả hai bên, và những cuộc bố ráp về đêm tại những khu xóm của người Shia vẫn còn được ghi nhận.
Bahrain cám ơn các đồng minh vùng Vịnh đã gởi binh sĩ đến để dẹp những cuộc biểu tình và vãn hồi trật tự. Tuy nhiên dù các hoạt động đối lập đã lắng xuống nhưng bà Kinninmont nói hiện còn quá sớm chính phủ chưa thể tuyên bố là cuộc khủng hoảng tại Bahrain đã qua.
Tháng trước, các quốc gia vùng Vịnh đồng ý tài trợ cho Bahrain 10 tỉ đô la trong vòng 10 năm tới để giúp giải quyết những hậu quả tài chánh liên quan đến vụ xáo trộn vừa rồi.
Sự ổn định mong manh trở lại Bahrain tiếp sau những cuộc biểu tình chống chính phủ đưa Vương quốc vùng Vịnh Ba Tư này đến một tình trạng ngưng trệ. Tuy nhiên những nhà phân tích nói tình trạng bất trắc của nền kinh tế có lẽ còn kéo dài.