Hôm 18/10, Bắc Triều Tiên đã bác bỏ việc nối lại các cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và thay vì thế kêu gọi Hoa Kỳ thương lượng một hòa ước chính thức.
Đề nghị hòa ước nằm trong khuôn khổ một đáp ứng của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên trước các nhận định của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye hôm thứ sáu tại Washington. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nam Triều Tiên tuyên bố họ sẵn sàng tiếp xúc với Bình Nhưỡng nếu nước này đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng tuyên bố tập trung vào vũ khí hạt nhân sẽ không có tác dụng
Trong một thông cáo do Thông tấn xã trung ương của nhà nước Bắc Triều Tiên đưa ra, và được đọc một phần trên đài truyền hình nhà nước KRT, bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên nói các nỗ lực tập trung đặc biệt vào các cuộc đàm phán giải giới hạt nhân quốc tế đã thất bại.
Bắc Triều Tiên đã đồng ý giải thể chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế, bảo đảm an ninh và cải thiện quan hệ ngoại giao theo một thỏa thuận chung năm 2005 giữa 6 bên trong vùng gồm Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.
Nhưng Bình Nhưỡng đã không tôn trọng cam kết và đã tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào những năm 2006, 2009 và 2013, tất cả đều gây phương hại đến thỏa thuận và đưa đến hậu quả là các biện pháp chế tài do Liên Hiệp Quốc áp đặt đối với Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên quy trách Mỹ gây căng thẳng liên tục trên bán đảo Triều Tiên
Theo quan điểm của Bình Nhưỡng, các chính sách thù nghịch và những hành động khiêu khích của Hoa Kỳ, trong đó có các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp ở quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên, đã “làm băng giá bầu không khí” và gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao, Bình Nhưỡng nói cách tốt nhất để tiến tới là Washington thương nghị một hòa ước để thay thế cho hiệp định đình chiến năm 1953 đã kết thúc chiến tranh.
Trên nguyên tắc, Bắc và Nam Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh theo hiệp định đình chiến ký năm 1953 với Hoa Kỳ, đã đưa đến việc lực lượng LHQ hậu thuẫn cho miền Nam và Trung Quốc chống lại miền Bắc.
Theo Bình Nhưỡng, một hòa ước cũng khẳng định rõ rằng tiếp tục gia tăng áp lực ngoại giao và chế tài sẽ không đưa Bắc Triều Tiên đến bàn thương nghị.
Thông cáo của bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên ngay 18 tháng 10 nói, “Nếu Hoa Kỳ nhất mực theo một con đường khác, bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ thấy phương tiện ngăn cản hạt nhân vô giới hạn của chúng ta được củng cố thêm.”
Một giáo sư đồng ý rằng bước đầu hạ giảm căng thẳng là một hòa ước chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên
Ông Chung-in Moon, một giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học Yonsei lâu nay vẫn thẳng thắn bênh vực việc thương nghị một hòa ước với Bắc Triều Tiên.
Ông Moon nói, “Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ trừ phi các quan ngại về an ninh được giải quyết và cách tốt nhất để giải quyết mối quan ngại an ninh đó là có một hình thức đàm phán nào đó có liên quan đến việc thiết lập một chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.”
Ông Moon cho rằng bây giờ là lúc thử một sách lược giao tiếp, nhân thái độ hợp tác mới đây của Bình Nhưỡng trong việc tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình trong tuần này và quyết định tạm ngưng đe dọa phóng một hỏa tiễn tầm xa.
Ông Moon nói, “Bắc Triều Tiên đã cho thấy thái độ tự chế và vì vậy sẽ rất có ích nếu Hoa Kỳ có thể đưa ra một hình thức củng cố có mục tiêu nào đó đối với Bắc Triều Tiên.”
Đương nhiên việc thương nghị một hòa ước sẽ cực kỳ phức tạp trong bối cảnh cả Nam và Bắc Triều Tiên vẫn còn duy trì lời khẳng định chủ quyền trên toàn bán đảo Triều Tiên.
Trong thông cáo, Bình Nhưỡng kêu gọi Washington thương nghị một hòa ước nhưng không đề cập đến việc sự tham gia của Seoul hay Bắc Kinh, là các bên khác đã ký hiệp định đình chiến năm 1953.
Và những người hoài nghi thì cho rằng một hòa ước có thể gây thiệt hại cho liên minh giữa Seoul và Washington và đè nặng áp lực lên Hoa Kỳ phải giảm thiểu sự hiện diện quân sự ở Nam Triều Tiên trong khi tưởng thưởng cho Bình Nhưỡng các quan hệ ngoại giao tốt hơn mà không hạ giảm mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Một hòa ước hợp thức hóa việc phân chia hai nước Triều Tiên cũng sẽ đi ngược lại với lời kêu gọi thống nhất trong hòa bình của Tổng thống Park như một “giải pháp cơ bản” để giải quyết vụ tranh chấp hạt nhân và đem lại hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.