Một tổ chức nhân quyền ở Nam Triều Tiên công bố một phúc trình về những sự ngược đãi mà công nhân Bắc Triều Tiên bị đưa ra nước ngoài làm việc phải gánh chịu. Tổ chức này cho biết chế độ Kim Jong Un tịch thu 90% lương của những người này, mang lại hàng tỉ đô la cho một chính phủ đang đối mặt với nhiều biện pháp chế tài của cộng đồng quốc tế. Thông tín viên Youmi Kim của đài VOA tại Seoul có bài tường thuật.
Trung tâm Cơ sở Dữ liệu Nhân quyền Bắc Triều Tiên tại Seoul đã soạn phúc trình này dựa trên những cuộc phỏng vấn với 20 người Bắc Triều Tiên đào tị, phần lớn là những người được đưa sang làm việc ở 9 nước trong đó có Trung Quốc, Nga và Kuwait.
Một người đào tị cho biết cuộc sống của ông khi ông làm việc ở nước ngoài “còn khổ cực hơn là cuộc sống trong nhà tù ở Bắc Triều Tiên.”
Bà Lee Sung Joo, một nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền, cho biết nơi ở của những người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài thường không có những tiện nghi cơ bản.
Bà Lee nói rằng các công nhân sinh sống trong những ngôi nhà xây cất một cách tạm bợ hay trong những chiếc container không có nước máy hay máy lạnh máy sưởi.
Theo ước tính của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên đã đưa khoảng 50.000 công nhân tới làm việc tại 40 quốc gia. Những người này thường được thuê để làm những công việc chân tay, làm việc 15 giờ mỗi ngày tại các công xưởng, nông trại, xưởng gỗ hoặc những địa điểm xây dựng.
Những người đào tị được phỏng vấn cho biết lương của họ được trả trực tiếp cho chính phủ Bắc Triều Tiên và họ chỉ nhận được 10% số lương đó.
Tổ chức nhân quyền ở Nam Triều Tiên ước tính việc này mang lại cho chế độ ở Bình Nhưỡng hơn 2 tỉ đô la mỗi năm.
Ông Jung Jae-Ho, một nhà nghiên cứu tham gia cuộc điều tra này, cho biết những khoản tiền đó đã giúp giảm bớt tác động của những biện pháp chế tài mà cộng đồng quốc tế áp dụng đối với Bắc Triều Tiên vì những chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Ông Jung nói rằng Bắc Triều Tiên đưa người lao động ra nước ngoài để tìm kiếm ngân khoản cho chế độ trong lúc họ tiếp tục ra sức ngăn chận những sự thay đổi mà cộng đồng quốc tế muốn nhìn thấy ở Bắc Triều Tiên.
Trong quá khứ, Bình Nhưỡng nhiều lần bác bỏ tố cáo bóc lột lao động và cho rằng những tố cáo đó là một phần của những mưu toan nhằm lật đổ chính quyền ở Bình Nhưỡng.
Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt của những công việc ở nước ngoài, những người đào tị cho biết dân chúng Bắc Triều Tiên vẫn đua nhau xin đi lao động ở nước ngoài, vì những công việc này so với công việc trong nước thường có lương khá hơn, ngay cả trong trường hợp chính phủ đã cướp đi một phần rất lớn.
Bình Nhưỡng cũng phái nhân viên chính phủ theo sát các công nhân làm việc ở nước ngoài. Các công nhân này không được tự do đi lại và không được tiếp xúc với cư dân địa phương. Bản phúc trình cho biết các công nhân bị đánh đập hoặc bị cưỡng bách hồi hương nếu họ vi phạm nội quy hoặc tìm cách trốn thoát.
Giáo sư Cho Jung Hyun của Học viện Ngoại giao Nam Triều Tiên cho biết có thể thông qua Tổ chức Lao động Quốc tế để truy tố về tội nô lệ lao động tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Giáo sư Cho nói rằng tuy Bắc Triều Tiên không phải là hội viên của Tổ chức Lao động Quốc tế, vấn đề này có thể được nêu ra nếu nước tiếp nhận công nhân Bắc Triều Tiên là một nước hội viên.
Theo những người đào tị, có 9 nước tiếp nhận công nhân Bắc Triều Tiên là Trung Quốc, Nga, Singapore, Malaysia, Kuwait, Qatar, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả rập, Libya và một nước không nêu tên ở Đông Âu.
Liên hiệp quốc hiện đang xem xét một nghị quyết để đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chống nhân loại. Nghị quyết được đưa ra sau khi một bản phúc trình của Liên hiệp quốc hồi năm ngoái lập hồ sơ về một mạng lưới nhà tù chính trị ở Bắc Triều Tiên và những hành vi tàn ác của Bình Nhưỡng, bao gồm sát nhân, bắt người làm nô lệ và tra tấn.
Nếu được đưa ra biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nghị quyết này có phần chắc sẽ bị phủ quyết bởi Trung Quốc hoặc Nga, đồng minh của Bắc Triều Tiên.