Bắc Hàn bắn tên lửa để thử tân tổng thống Nam Hàn

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Chỉ vài ngày sau khi đắc cử, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải đối mặt với khiêu khích đầu tiên của Bắc Triều Tiên. Diễn biến này đặt ra một phép thử đối với chính sách mà ông đã tuyên là sẽ mưu tìm đối thoại hòa bình với nước láng giềng đang phát triển vũ khí hạt nhân.

Lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ đoàn kết với Hoa Kỳ và Nhật Bản, bằng việc lên án Bắc Triều Tiên thử nghiệm một tên lửa đạn đạo hai tầng mới có thể bay tới 4.500 km hôm Chủ Nhật. Cơ quan thông tấn nhà nước BắcTriều Tiên hôm thứ Hai nói cuộc thử nghiệm thành công này để xác định tên lửa có thể mang “đầu đạn hạt nhân cỡ lớn”. Tên lửa đã bay xa đến 787 km, và đạt đến độ cao 2.111 km.

Tổng thống Moon đã cảnh báo Bình Nhưỡng rằng hành động khiêu khích sẽ bị đáp trả nghiêm khắc. Ông cũng kêu gọi Hàn Quốc nên phát triển không quân và hệ thống tên lửa phòng thủ để sử dụng cùng với, hoặc là thay thế cho hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo THAAD vốn gây tranh cãi của Hoa Kỳ. Trung Quốc phản đối hệ thống THAAD và coi đó như là việc Mỹ gia tăng đe doạ quân sự trong khu vực.

Đối thoại có điều kiện

Trong thời gian tranh cử, ông Moon hứa sẽ theo đuổi việc đàm phán với Bình Nhưỡng. Nhưng nay trong tư cách là tổng tư lệnh quân đội, ông nhấn mạnh rằng "đối thoại chỉ có thể thực hiện khi Bắc Triều Tiên thay đổi thái độ."

Quan điểm rõ ràng của ông Moon về các cuộc đàm phán có điều kiện dường như giống với quan điểm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và về cơ bản cũng giống như quan điểm của chính quyền Mỹ và Hàn Quốc trước đây.

Nhà phân tích chính trị Bong Young-shik thuộc Học viện Đại học Yonsei, Khoa nghiên cứu các vấn đề Bắc Triều Tiên ở Seoul cho biết: "Seoul và Washington vẫn có cùng quan điểm, mà mục tiêu cuối cùng vẫn chưa thể thỏa hiệp được, đó chính là việc phá dỡ khả năng và phương tiện sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên (WMD).

Bắc Triều Tiên, bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế, đã công khai tuyên bố rằng họ trên thực tế là một nước có vũ khí hạt nhân. Chính phủ Kim Jong Un luôn xem nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạt nhân (ICBM) có khả năng phóng đến lục địa Hoa Kỳ là việc thiết yếu sống còn của nước này.

Ông Bong cho biết, trừ khi Bình Nhưỡng đồng ý thảo luận về việc giải trừ quân bị để đổi lấy viện trợ kinh tế và đảm bảo an ninh, ông Moon sẽ không thể tái khởi động tiến trình đàm phán hoặc mở lại các dự án hợp tác giống như dự án khu công nghiệp Kaesong, mà trước đây đã tuyển dụng 54.000 nhân công Bắc Triều Tiên và cung cấp khoảng 100 triệu đô la một năm cho kinh tế địa phương và cho chính phủ, trước khi liên doanh này bị đóng cửa vào năm 2016.

Ông Bong nói: "Chính phủ của ông Moon Jae-in hiểu rõ việc Seoul gặp khó khăn ra sao khi bắt đầu tiếp xúc, thương thuyết với Bình Nhưỡng, bởi vì bất kỳ sự cải tiến nào nhằm hợp tác kinh tế liên Triều đều phải vượt qua những trở ngại, khó khăn này, hoặc đối mặt với sự hoài nghi của quốc tế. Đó là việc hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên có thể cung cấp cho Bình Nhưỡng thêm khả năng tài chính để phát triển vũ khí giết người hàng loạt."​

Áp lực Trung Quốc

Chính quyền Trump xem việc ngăn Bắc Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa là một ưu tiên hàng đầu và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có thể hành động quân sự để phá hủy các địa điểm phóng và thử hạt nhân, nếu cần. Song song với lời đe dọa dùng vũ lực đó, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đã phái các tàu quân sự đến khu vực, bao gồm cả tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson.

Gần đây nhất, Washington đã nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác với Bắc Kinh để thực hiện nghiêm các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Bắc Triều Tiên. Nhưng sau khi thực thi một lệnh cấm nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên và các biện pháp khác vào đầu tháng 4, lại xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã giảm bớt áp lực đối với đồng minh Bắc Hàn, vốn phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Có tin cho rằng giá xăng dầu tại Bắc Triều Tiên đã trở lại bình thường sau khi nỗi lo sợ Trung Quốc cấm vận đã tiêu biến. Và việc đình chỉ các chuyến bay của hãng Air China tới Bình Nhưỡng vào tháng 4 chỉ kéo dài có 3 tuần.

Vào tuần này Bắc Triều Tiên đã phái một phái đoàn tới Bắc Kinh tham dự diễn đàn Sáng kiến Vành đai và con Đường. Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng cử đại diện tham dự diễn đàn kinh tế quốc tế này.

Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã than phiền với Bộ ngoại giao Trung Quốc rằng việc mời Bắc Triều Tiên dự diễn đàn này đã gửi đi một thông điệp sai lầm vào thời điểm mà thế giới đang cố gắng gây áp lực lên Bình Nhưỡng để buộc họ ngưng các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Ngoại giao Hàn Quốc

Hôm thứ Hai, Hàn Quốc nói sẽ cử các đặc phái viên tới Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Đức để thảo luận về phương cách đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.