Việc Đảng Cộng sản Việt Nam cho về vườn cùng lúc 3 ủy viên trung ương một mặt cho thấy cuộc “đốt lò” diễn ra quyết liệt nhưng mặt khác cũng cho thấy hệ thống Đảng nuôi dưỡng, tạo điều kiện hình thành những quan chức hư hỏng, một nhà quan sát từ trong nước nói với VOA.
Rơi rụng 7 ủy viên
Hôm 3/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã biểu quyết cho ra khỏi Trung ương các ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cựu Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh; ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; và ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương.
Đáng chú ý, động thái này diễn ra ngay ngày đầu tiên của hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương vừa khai mạc ở thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông cáo của hội nghị được báo chí trong nước dẫn lại cho biết là Trung ương Đảng đã nhất trí để ba vị này thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa 13 trên cơ sở xem xét nguyện vọng của các đương sự và đề nghị của cấp ủy nơi các vị này công tác.
Thông cáo cũng nhắc lại chủ trương của Bộ Chính trị là những cán bộ nào đã nhúng chàm, đã bị phát hiện và bị kỷ luật thì phải tự nguyện xin rút nếu không sẽ bị cách chức. Trước khi ‘được cho thôi’, cả ba ông Phong, Quang, Việt đều đã bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.
Ông Phong bị điều chuyển khỏi thành phố Hồ Chí Minh khi địa phương này đang trong thời khắc chống dịch dầu sôi lửa bỏng hồi giữa năm ngoái. Ông bị kết luận là ‘đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản nhà nước’.
Về phần mình, ông Quang được cho là ‘vi phạm về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền’ khiến cơ quan ông quản lý xảy ra ‘vi phạm kéo dài trong công tác cán bộ, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học, đào tạo…’
Còn ông Huỳnh Tấn Việt bị xác định vi phạm khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, trước khi ông được đề bạt lên làm Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương. Theo đó, ông được cho là có trách nhiệm trong vụ đấu giá đất công tại khu đô thị Nam Tuy Hòa ‘gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước’.
Như vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 gồm 180 vị được bầu hồi đầu năm 2021 sau chưa tới 2 năm đã rơi rụng đến 7 ủy viên trung ương.
Ngoài ba ông trên, các ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hà Nội; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế; Phạm Xuân Thăng, Bí thư Hải Dương, đều đã bị khai trừ Đảng, còn ông Trần Văn Nam, Bí thư Bình Dương, đã bị cách hết chức vụ trong Đảng. Tất cả bốn ông này sau đó đều đã vướng vòng lao lý.
‘Lỗi hệ thống’
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nói với tư cách là người dân Việt Nam, ông không thấy việc Đảng cấp tập xử lý cán bộ cấp cao này là điều phấn khởi hay lạc quan gì cả.
“Tôi biết rất rõ chuyện người ta bảo là chống tham nhũng, hay ‘đốt lò’ gì đấy là việc không thể bởi vì bản thân hệ thống này sản sinh ra chuyện tham nhũng đấy”, ông A nói.
Theo lời ông giải thích, Việt Nam chỉ có thể chống tham nhũng nếu xây dựng được nền pháp trị với tư pháp độc lập và báo chí tự do. “Thiếu những yếu tố này thì không thể chống tham nhũng được”, ông khẳng định.
“Khi đó nếu bắt được người tham nhũng này thì lại sinh ra hai, ba người tham nhũng khác”, ông nói thêm. “Cuộc chiến tham nhũng sẽ kéo dài vô tận, không bao giờ kết thúc”.
Theo cách nhìn của ông, việc có đến ba ủy viên trung ương bị đuổi cùng lúc một mặt có thể ‘khiến người ta suy luận là Đảng rất nghiêm minh, kiên quyết, không chừa một ai, ai cũng có thể bị bắt’, nhưng mặt khác ‘có thể cho thấy sự tranh giành phe phái đang căng thẳng đến mức phải kỷ luật hàng loạt như vậy’.
Từ vụ việc này, ông A đặt vấn đề về trách nhiệm lựa chọn nhân sự của hệ thống Đảng mà đứng đầu là Bộ Chính trị và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính ông Trọng khi chuẩn bị cho Đại hội 13 đã tuyên bố là ‘kiên quyết không để lọt người cơ hội, không đủ phẩm chất, có dấu hiệu tham nhũng vào Ban chấp hành Trung ương’.
“Cũng chính các ông ấy chứ ai chọn những người đấy. Thế thì lúc các ông chọn người hai năm trước, đầu óc các ông để đâu mà không phát hiện ra những người xấu xa như thế?” ông A bức xúc.
Ông chỉ ra tham nhũng ở Việt Nam không chỉ là ‘tham nhũng tiền bạc’ mà còn là ‘tham nhũng quyền lực’ với những vị lãnh đạo vẫn bám vào quyền lực mặc dù đã quá tuổi và làm quá nhiệm kỳ cho phép.
“Tôi nghĩ tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị còn nguy hiểm gấp ngàn lần tham nhũng về tiền bạc”, ông nói và cho biết nếu không khắc phục tình trạng tham nhũng quyền lực thì hệ thống Đảng sẽ đầy lỗ hổng không thể lấp được.
“Bản thân quyền lực nó khiến con người tha hóa khi không có cơ chế kiểm soát”, ông lý giải.