Nhà lãnh đạo Myanmar, Aung San Suu Kyi, ngày càng bị chỉ trích vì cách chính phủ của bà xử lý cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine miền bắc Myanmar, nơi đa số dân theo Hồi Giáo. Tại đây, các binh sĩ chính phủ đã ngăn không cho nhân viên cứu trợ tiếp cận dân làng và bị cáo buộc cưỡng hiếp, giết hại thường dân.
Cuộc hành quân đã làm tăng thêm căng thẳng giữa chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi mới thành lập 6 tháng nay với quân đội, lực lượng đã cai trị Myanmar trong nhiều thập niên và vẫn duy trì những quyền hành chính, kể cả kiểm soát một số bộ về an ninh.
Theo một giới chức dân sự cao cấp, trước việc chính phủ thiếu kiểm soát lực lượng võ trang, các cấp chỉ huy quân sự đã phớt lờ những yêu cầu về thông tin liên quan đến những cáo buộc về những hành vi sai trái của các binh sĩ trong hơn 10 ngày.
Quân đội đã di chuyển đến miền bắc Rakhine, gần biên giới với Bangladesh, sau khi các phần tử hiếu chiến giết chết 9 cảnh sát biên phòng trong một cuộc tấn công phối hợp vào ngày 9 tháng 10 vừa qua.
Kể từ đó, chính phủ cho biết có 5 binh sĩ và ít nhất 33 phần tử nổi dậy bị giết trong những cuộc đụng độ với một nhóm mà chính phủ tin là gồm khoảng 400 thành viên đa phần là những người Hồi giáo thiểu số Rohingya vô Tổ quốc.
Trong khi hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo qui định quân đội kiểm soát chặt chẽ các vấn đề an ninh, trong vòng riêng tư, các nhà ngoại giao và các nhân viên cứu trợ cho biết họ bất bình trước việc bà Aung San Suu Kyi không can dự nhiều trong việc giải quyết khủng hoảng.
Bà Suu Kyi, người tỏ ra hữu hiệu trong việc lãnh đạo chính phủ với tư cách là cố vấn nhà nước và cũng là Ngoại trưởng, đã tiến hành một chương trình hoạt động bận rộn với những chuyến đi nước ngoài.
Khi giao tranh bùng phát tại Rakhine, bà lên đường đi thăm Ấn Độ 4 ngày, và thứ Ba tới đây bà sẽ lên đường thăm Nhật trong 5 ngày.
Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thúc đẩy chính phủ Myanmar điều tra những cáo buộc về nạn bạo hành của binh sĩ chính phủ. Các cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi cho phép cứu trợ được tiếp cận khu vực này.
Bà Suu Kyi không trực tiếp bình luận về những lời kêu gọi hay những tuyên bố của các nhà quan sát nhân quyền, dù bà đã yêu cầu quân đội tự chế và hành động theo khuôn khổ luật pháp.