Bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch Huawei, sẽ tái hầu tòa ở thành phố Vancouver vào 11/12, và thẩm phán sẽ đưa ra quyết định cuối cùng xem liệu bà có được tại ngoại hay không trong khi chờ thủ tục dẫn độ, theo hãng tin Reuters.
Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của công ty công nghệ Huawei Trung Quốc, đã bị chính quyền Canada bắt giữ vào ngày 1/12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Kể từ khi bà bị bắt đến nay, Trung Quốc liên tục chỉ trích việc bà bị giam giữ và yêu cầu trả tự do cho bà ngay lập tức.
Bà Mạnh, 46 tuổi, đối mặt với cáo buộc của Hoa Kỳ rằng bà đã “đánh lạc hướng” các ngân hàng đa quốc gia về việc Huawei kiểm soát một công ty hoạt động ở Iran, khiến các ngân hàng này có nguy cơ bị phạt nặng vì vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran – theo hồ sơ của tòa án.
XEM THÊM: Lãnh đạo Huawei của TQ bị bắt tại Canada theo yêu cầu của MỹÔng David Martin, Luật sư của Mạnh đã đề nghị ông Lưu Hiểu Tông, chồng bà, làm người bão lãnh cho bà, nhưng thẩm phán và công tố viên nghi ngờ liệu ông Lưu có tuân thủ các nghĩa vụ và điều kiện để cho bà Mạnh được tại ngoại hầu tra hay không, vì ông ấy không phải là cư dân của tỉnh British Columbia và sẽ không hề hấn gì nếu bà Mạnh vi phạm các điều kiện tại ngoại.
Trong nỗ lực đưa bà Mạnh ra khỏi nơi tạm giam và để cho bà ở tại hai ngôi nhà sang trọng của bà ở Vancouver, luật sư bào chữa của bà đề xuất tòa sử dụng các thiết bị giám sát công nghệ cao và có an ninh theo dõi bà 24/24 để nhà chức trách an tâm rằng thân chủ của ông ta không bỏ trốn, theo Reuters.
Luật sư của bà cũng đã đề xuất một khoản tiền bảo lãnh tại ngoại 15 triệu đôla Canada ( khoảng 11,3 triệu đôla Mỹ) và cam kết rằng bà Mạnh sẽ giao nộp tất cả hộ chiếu và giấy thông hành cho cảnh sát Canada.
Kể từ khi bà bị bắt, Bắc Kinh luôn yêu cầu phải trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức và đe dọa rằng Canada sẽ nhận “hậu quả.” Các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như không muốn gắn kết việc bà Mạnh bị bắt với vụ tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Hôm 11/12, phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh, Uỷ viên Quốc vụ viện Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, cho biết Trung Quốc luôn theo dõi liên tục về sự an toàn của công dân Trung Quốc ở nước ngoài, mặc dù không đề cập trực tiếp đến trường hợp bà Mạnh.
Truyền hình Trung Quốc trích lời ông Vương nói: “Đối với bất kỳ hành vi bắt nạt nào mà vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không bao giờ để yên.”