Người đứng đầu chính phủ Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ không tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tuần tới, theo ghi nhận của truyền thông hôm 12/9, trong bối cảnh có những lời kêu gọi cần phải buộc các lực lượng an ninh của Myanmar chịu trách nhiệm về những cáo buộc phạm những tội ác chống lại người Hồi giáo Rohingya.
Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Suu Kyi là người đứng đầu chính phủ dân sự trong vai trò đặc biệt là cố vấn nhà nước nhưng bà cũng đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao của Myanmar.
Bà Suu Kyi sẽ không tham dự phiên họp Đại hội đồng sắp tới, theo 7Day Daily – một tờ báo hàng đầu của Myanmar – trích dẫn nguồn tin của một quan chức Bộ Ngoại giao nước này.
Thay vào đó, hai bộ trưởng cấp cao trong chính phủ của bà, Kyaw Tint Swe và Kyaw Tin – những nhà ngoại giao lâu năm từng ủng hộ chính phủ quân nhân trước đây của Myanmar – sẽ tham dự và “giải thích những diễn biến gần đây của tiến trình hòa nhập và hợp tác với các tổ chức quốc tế,” theo quan chức của Bộ Ngoại giao nói trên – thư ký thường trực Myint Thu.
Reuters gọi điện tới văn phòng của ông Myint Thu hôm 10/9 nhưng không được trả lời. Người phát ngôn chính phủ Zaw Htay từ chối bình luận về vấn đề này.
Bà Suu Kyi tránh công du nước ngoài trong lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi bà phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đã đẩy khoảng 700.000 người Rohingya di tản khỏi Myanmar vào năm ngoái khi họ bị các lực lược an ninh chính phủ đàn áp.
Bà Suu Kyi cũng đã không đến dự cuộc họp Hội đồng của LHQ cách đây một năm, ngay sau khi bạo lực bùng ra và trước đó bà được kỳ vọng là sẽ tới dự.
Chính phủ của bà Suu Kyi kiên quyết phủ nhận các cáo buộc đàn áp trong chiến dịch này và cam kết sẽ tiếp nhận những người Rohingya quay trở lại.
Tuy nhiên áp lực từ cộng đồng quốc tế lên chính phủ Myanmar tiếp tục tăng và cuộc khủng hoảng người Rohingya sẽ là một chủ đề chính tại các cuộc thảo luận của Đại hội đồng.
Một nhóm điều tra độc lập của LHQ tháng trước cho biết rằng có bằng chứng cho thấy “mục tiêu diệt chủng” của quân đội Myanmar.
Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết họ có thể điều tra các tố giác rằng người Rohingya bị Myanmar trục xuất sang Bangladesh. Myanmar nói ICC không có quyền hạn để làm việc này vì Myanmar không phải là một thành viên của tòa án này nhưng ICC nói họ có thể xử các hành động xảy ra ở Bangladesh – quốc gia là thành viên của ICC.
Người đứng đầu về nhân quyền của LHQ Michelle Bachelet hôm 10/9 ủng hộ các lời kêu gọi thành lập một nhóm điều tra mới, cùng với khả năng có một cuộc điều tra của ICC, để thu thập bằng chứng và khởi tố trong tương lai về những tội ác đối với người Ronhingya.