Australia thông qua luật chống nô lệ mới

Các nhà hoạt động ước tính có tới nhiều ngàn người bị ảnh hưởng bởi lao động cưỡng bức, buôn bán người bất hợp pháp và hôn nhân cưỡng bức, trong đó có nhiều phụ nữ từ châu Á và Ðông Âu.

Quốc hội Australia tuần này vừa thông qua luật lệ coi các cuộc hôn nhân cưỡng ép và lao động cưỡng ép là phạm tội. Các luật lệ nhắm mục đích bảo vệ những nguời mà giới hoạt động gọi là “đạo quân thầm lặng” các nạn nhân, nhiều người là dân di trú. Thông tín viên VOA Phil Mercer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các biện pháp sẽ bổ sung cho các luật lệ chống nô lệ bằng cách tội phạm hóa lao động cưỡng bức, buôn bán người bất hợp pháp và hôn nhân cưỡng bức.

Những người vận động chống nô lệ tin rằng con số các vụ sẽ tăng lên bởi vì cảnh sát sẽ có nhiều quyền hành hơn để điều tra những tố giác về các vụ lợi dụng và cưỡng ép.

Giải thích sự cần thiết phải có các luật lệ gắt gao hơn, các nhà lập pháp nêu ra một thí dụ ở rằng Núi Xanh, nằm về phía tây của Sydney, nơi một di dân Ấn Ðộ đã phải buộc làm việc nhiều giờ đồng hồ mà không được ăn lương tại một nhà hàng và sống trong một túp lều trong vườn sau khi hộ chiếu của ông ta bị người chủ lấy mất.

Không có các số liệu chính xác để minh họa mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng các nhà hoạt động uớc tính có tới nhiều ngàn người đã bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều phụ nữ từ châu Á và Ðông Âu.

Bà Jennifer Burn, giám đốc tổ chức vận động chống nô lệ Australia, nói rằng những người dễ bị xúc phạm nay sẽ nhận được thêm sự trợ giúp.

Bà Burn nói: “Luật này sẽ thay đổi bộ luật hình sự của Australia. Nội dung của tội cưỡng bức lao động là người làm công việc đó phải tin là họ không được tự do thôi việc và không được tự do rời khỏi nơi mà họ đang làm việc vì họ đã bị cưỡng ép, đe dọa hay lừa gạt. Vì thế mà những hình thức đe doạ có thể là, tôi sẽ tố cáo anh với sở di trú, anh sẽ bị trục xuất khỏi Australia, Tôi sẽ làm hại gia đình anh, tôi sẽ làm hại anh.”

Hôn nhân cưỡng bức đã được gọi là bí mật tội lỗi của Australia. Các vụ vi phạm thường chỉ được đưa ra ánh sáng khi phụ nữ phá vỡ sự im lặng, thường là gây nguy hiểm cho gia đình và phẫn nộ cho xã hội, và nhờ đến nhà chức trách.

Phụ huynh ép buộc con em kết hôn có thể bị tù tới 7 năm.

Các luật lệ sẽ áp dụng cho các cả cuộc hôn nhân diễn ra bên trong Australia lẫn các cuộc hôn nhân có sự can dự của công dân Úc ở các nước khác.

Các tổ chức Hồi giáo nói rằng hình thức cưỡng ép này không phù hợp với các tập tục của đạo Hồi, nhưng một số người lo ngại rằng luật lệ này có thể là một cách tế nhị để bêu xấu và phân biệt đối xử với cộng đồng Hồi giáo ở Australia.