Nhà chức trách quản lý công viên Vỉa san hô Great Barrier của Australia nói là thiệt hại cho vỉa san hô này nghiêm trọng đến nổi các sinh vật dưới biển sống tại vỉa san hô này phải mất 20 năm mới phục hồi lại được.
Sau khi bị mắc cạn, chiếc tàu Shen Neng 1 bị những dòng nước của đại dương kéo lê trên vỉa san hô, nghiền nát san hô và cây cỏ dưới nước và làm cho những loại thực vật này có cơ nguy bị nhiễm độc chất của sơn ngoài vỏ tàu.
Chiếc tàu chở than của Trung Quốc đụng phải một dãi cát ngầm ngoài khơi Queensland cách đây hơn một tuần lễ. Sau khi chiếc tàu rò rỉ khoảng 3 tấn dầu vào nước biển trong suốt, những công nhân cứu hộ tìm cách chuyển 950 tấn dầu ra khỏi tàu. Sau đó tàu đã nổi trở lại và được đưa đi thả neo an toàn.
Chính phủ Australia đang chuẩn bị ban hành những biện pháp cứng rắn hơn qui định những điều lệ các tàu nước ngoài phải tuân thủ khi sử dụng vùng biển và hải cảng của Australia.
Bộ trưởng Giao thông Anthony Albanese cho biết:
“Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra những biện pháp cần thiết. Chúng tôi sẽ không xét đến những chi phí vì những thiệt hại gây nên cho vỉa san hô của chúng tôi không thể tính được, không những chỉ trên phương diện kinh tế mà còn về phương diện môi trường cho thế hệ tương lai.”
Hôm thứ Hai, 3 thủy thủ của một chiếc tàu nước ngoài khác bị cáo buộc đã đi vào hải phận hạn chế tại vùng vỉa san hô Great Barrier đã phải ra trước các thẩm phán tại Queensland. Những người này bị truy tố vì đã đi vào vùng cấm không có giấy phép.
Một thủy thủ trưởng Nam Triều Tiên và 2 thủy thủ người Việt Nam của chiếc tàu chở than MV Mimosa treo cờ Panama được cho đóng tiền tại ngoại và sẽ ra tòa trở lại vào tuần này. Những người này có thể bị phạt tiền lên đến 205.000 đô la.
Vỉa san hô Great Barrier là một hệ thống san hô lớn nhất thế giới trải dài 2300 kilômét dọc theo bờ biển đông bắc Australia và là nơi cư trú của rất nhiều loại hải sinh vật. Đây là nơi thu hút hàng chục ngàn khách du lịch mỗi năm. Tuy nhiên vùng biển này đang phải đối mặt với những tổn hại không những chỉ do tàu biển gây ra nhưng còn do những nguồn nước ngọt được thải ra từ các trang trại dọc bờ biển Australia cũng như do nhiệt độ nước biển tăng lên.
Các giới chức Australia cho biết là thiệt hại của Vỉa đá san hô Great Barrier gây nên bởi tàu hàng Trung Quốc bị mắc cạn tệ hại hơn là dự đoán lúc ban đầu. Chiếc tàu chở hàng này đã nổi trở lại và hiện bỏ neo an toàn ngoài khơi bờ biển Queensland. Thông tín viên Phil Mercer tường trình từ Sydney.