Australia phải đối diện với một năm kinh tế khó khăn

Australia phải đối diện với một năm kinh tế khó khăn

Nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên của Australia sẽ phải đối diện với một năm khó khăn. Mặc dầu ngành khai thác hầm mỏ tiếp tục tăng trưởng, các ngành khác – nhất là sản xuất, du lịch, và tài chánh - đang cho công nhân nghỉ việc thêm. Mặc dầu Australia đã tìm cách tránh được tình trạng tệ hại nhất của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, chính phủ cảnh cáo rằng năm 2012 chắc sẽ là một năm khó khăn đặc biệt về công ăn việc làm.

Nền kinh tế Australia từng là sự thèm muốn của các nước phát triển, nhưng nền kinh tế này đã xuất hiện một vài rạn nứt. Đồng đô la mạnh của Australia là nguyên nhân làm mất đi hằng trăm công ăn việc làm tại công ty Toyota ở Melbourne hồi tháng trước, biểu hiện tình trạng mong manh trong lãnh vực sản xuất.

Một công nhân của hãng Toyota nói rằng đây là một tin gây chấn động cho tất cả mọi người. Đối với việc nuôi sống gia đình thì 350 người mất việc không phải là chuyện nhỏ.

Chính phủ Australia tin tưởng là kinh tế sẽ tăng trưởng với tỷ lệ vững chắc trong năm nay, mặc dầu Bộ trưởng Bộ Chế Xuất, Kim Carr, thừa nhận rằng sẽ có một số khó khăn trên đường tăng trưởng:

“Đồng đô la Úc cao đã gây tổn hại lớn cho những sản phẩm của Úc trên thị trường quốc tế vì giá hàng hóa của Úc sẽ cao. Kết quả là mức cầu về sản phẩm của Úc sẽ sụt giảm.”

Australia đã tránh được tình trạng tệ hại nhất của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nhờ ngành hầm mỏ phát triển mạnh do việc bán quặng sắt cho Trung Quốc. Tuy nhiên có những lo ngại rằng bất cứ sụt giảm nào về mức cầu của Trung Quốc cũng sẽ gây ra khó khăn cho Úc.

Nhà phân tích Satyajit Das nói rằng, về cơ bản, Australia sẽ thấy cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu mà họ nghĩ là tránh được sẽ đến với nước họ. Australia gặp khó khăn trong lãnh vực bán hàng nếu kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Ông Das tin là đồng đô la Úc tăng giá gần gấp đôi so với đô la Mỹ trong thập niên vừa qua, là nguyên nhân gây ra tình trạng bất trắc trong nền kinh tế:

“Rõ ràng là trị giá đồng đô la Úc cao gây rất nhiều khó khăn cho ngành chế xuất, du lịch, giáo dục, và giờ đây ta thấy những dấu hiệu nhu cầu lao động cũng sút giảm, đặc biệt là là lao động trí óc truyền thống, chằng hạn như dịch vụ tài chính.”

Tỷ lệ thất nghiệp tại Australia chỉ ở mức trên 5 phần trăm. Tỷ lệ đó e rằng sẽ tăng trong năm nay. Khu vực không thuộc hầm mỏ chắc sẽ bị thiệt hại nhất. Trong tuần này, 1.000 nhân viên ngân hàng được thông báo phải nghỉ việc.

Ông Fariborz Moshirian, giáo sư môn tài chánh tại Trường Đại Học New South Wales, tin rằng Australia không nên quá lệ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc:

“Rõ ràng là nếu tại Trung Quốc có suy thoái lớn trong hoạt động kinh tế, thì Australia sẽ cảm thấy rất gay go vì không có ngành chế xuất mạnh hay khu vực ngân hàng để đền bù những mất mát trong thâu nhập liên quan tới sự phát triển ngành hầm mỏ. Với lý do đó, kinh tế Australia đòi hỏi tái cấu trúc trên quy mô lớn bởi vì lâu nay Úc vẫn được hưởng lợi nhờ phát triển hầm mỏ. Phải làm thế nào để cho ngành chế xuất, ngành dịch vụ tài chánh, và ngành du lịch trở thành hữu hiệu hơn, có tính cạnh tranh hơn và nền kinh tế Úc cũng trở thành quân bình hơn, thay vì chỉ dựa vào một khu vực cụ thể chỉ có giá trị trung hạn.”

Nhưng người đứng đầu Hội Đồng Khoáng Sản New South Wales, ông Stephen Galilee, tin là khu vực tài nguyên thiên nhiên sẽ tiếp tục chống đỡ nền kinh tế Úc trong nhiều năm sắp tới:

“Người ta đã từng dự báo giai đoạn phát triển nhờ tài nguyên thiên nhiên sẽ chấm dứt từ nhiều năm qua và sự chấm dứt này chưa thấy trước mắt. Ảnh hưởng của tình trạng bất trắc trên toàn cầu có thể làm chậm lại tỷ lệ tăng trưởng của giai đoạn nở rộ đó. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng mức cầu tài nguyên khoáng sản của Australia sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập niên trước mắt.”

Tuy nhiên, các nhà khai thác hầm mỏ Australia lo ngại một sắc thuế về khí thải carbon sẽ gây tai hại cho tính cạnh tranh của sản phẩm Úc trên thị trường quốc tế và ảnh hưởng tới công ăn việc làm. Sắc thuế này sẽ buộc nhiều xí nghiệp gây ô nhiễm nặng phải trả cho mỗi tấn carbon dioxide thải ra và thuế này sẽ được áp dụng vào tháng Bảy.