Người ủng hộ dân chủ Úc kêu gọi chính phủ lên án Miến Điện

Người ủng hộ dân chủ Úc kêu gọi chính phủ lên án Miến Điện

Những người ủng hộ Dân chủ ở Australia đang kêu gọi chính phủ công khai chỉ trích cuộc bầu cử vào tháng 11 tới của Miến Điện. Các nhà hoạt động nói rằng giới hữu trách ở Canberra phải hành động nhiều hơn để gây áp lực lên giới lãnh đạo quân đội Miến Điện buộc họ phải thực hiện những thay đổi dân chủ. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Ba năm trước đây, các nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện đã tiến hành một cuộc đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa đòi cải cách dân chủ. Những cuộc biểu tình trên đường phố do các tu sĩ lãnh đạo đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia trước khi họ bị quân đội Miến Điện đàn áp.

Những người cổ vũ dân chủ ở Australia nói rằng chính phủ ở Canberra phải tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc lên án các vụ sách nhiễu và cầm tù vẫn tiếp tục xảy ra đối với các nhà hoạt động nhân quyền ở Miến Điện trước cuộc bầu cử vào tháng tới.

Các nhà hoạt động nhấn mạnh rằng các bộ trưởng phải tuyên bố rằng cuộc bầu cử của Miến Điện sẽ không được coi là chính đáng nếu tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, không được trả tự do, hiến pháp không được sửa đổi và các hạn chế đối với các chiến dịch tranh cử không được bãi bỏ.

Australia đã nhiều lần hối thúc giới hữu trách Miến Điện bắt đầu tiến hành cải cách chính trị và hòa giải dân tộc. Kể từ tháng 10 năm 2007, Canberra đã thực hiện các biện pháp chế tài nhắm vào các thành viên của chính phủ Miến Điện sau khi họ đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa.

Người phát ngôn cho chiến dịch vận động dân chủ cho Miến Điện ở Australia, bà Zetty Brake nói rằng Australia nên hành động nhiều hơn để khuyến khích một sự cải cách dân chủ thực sự ở Miến Điện.

Bà Brake cho biết: “Đã ba năm trôi qua và đáng tiếc là tình hình nhân quyền vẫn chưa khá hơn kể từ Cuộc Cách mạng Tăng bào. Số các tù nhân chính trị đã tăng gấp đôi là một ví dụ cho thấy tình hình đã trở nên tồi tệ hơn và cuộc bầu cử vào tháng 11, cuộc bầu cử đầu tiên trong vòng 20 năm, cũng sẽ chẳng thay đổi được tình hình này. Vì vậy, điều chúng tôi kêu gọi chính phủ Australia thực hiện là bày tỏ lập trường cứng rắn hơn về cuộc bầu cử so với lập trường của họ cho tới thời điểm này và nói rằng những cuộc bầu cử như vậy sẽ không khả tín hay chính đáng nếu một số yêu cầu mà phong trào dân chủ đặt ra không được đáp ứng trước và những yêu cầu này gồm có việc thả tất cả các tù nhân chính trị.”

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho hay bất chấp “những lo ngại nghiêm trọng và lâu dài” họ cũng sẽ không “phán xét trước về tiến trình hay kết quả của cuộc bầu cử này.”

Australia có quan hệ ngoại giao với Miến Điện, mặc dù quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng vì những quan ngại của Canberra đối với “hành động đàn áp dân chủ” của chính quyền quân nhân nước này cũng như “sự thiếu tôn trọng” của họ đối với nhân quyền.

New Zealand là một trong số vài nước đã hỗ trợ cho một Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc được thành lập để điều tra về các cáo giác về tội ác chống lại loài người ở Miến Điện. Pháp, Canada và Hà Lan cũng đã cam kết ủng hộ ủy ban này vào lúc sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với giới lãnh đạo quân nhân Miến Điện đang ngày càng tăng cao trước cuộc bầu cử.