LHQ hoan nghênh việc Úc bãi bỏ lệnh cấm người Afghanistan tỵ nạn

Australia cấp thị thực nhập cảnh cho khoảng 13.000 người tỵ nạn mỗi năm trong khuôn khổ các chương trình nhân đạo khác nhau

Cơ quan tỵ nạn Liên hiệp quốc hoan nghênh quyết định của Australia bãi bỏ lệnh đình chỉ việc cứu xét đơn xin tỵ nạn của người Afghanistan. Hồi tháng 4, Canberra thông báo ngưng việc xét đơn xin tỵ nạn vì an ninh đã cải thiện tại Afghanistam. Quyết định này bị cho là một phần do tình trạng quá tải ở các trung tâm tạm giữ di dân của Australia. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Người ta cho rằng có hơn 2.000 người Afghanistan đang ở trong hệ thống các trại tạm giữ di dân quá tải ở Australia.

Các lý do đích xác cho quyết định xét đơn tỵ nạn của họ sau thời gian tạm ngưng 6 tháng chưa được rõ ràng. Tuần trước, Bộ trưởng di trú Australia Chris Bown tuyên bố lệnh tạm ngưng đã được bãi bỏ dựa trên thông tin từ phía các giới chức ở Kabul. Ông không cho biết thêm chi tiết.

Cơ quan Tỵ nạn Liên hiệp quốc hoan nghênh quyết định vừa kể, mặc dầu theo ông Richard Towle, đại diện khu vực của Cao Uỷ Tỵ nạn Liên hiệp quốc, cho rằng tình hình an ninh ở Afghanistan đang khá hơn là điều không đúng.

Ông Towle cho biết: “Điều chúng ta cần làm là đoan chắc rằng trong khi chúng ta tiến hành công tác thẩm định các trường hợp này, chúng ta có được thông tin cập nhật nhất và chính xác nhất về Afghanistan để chúng ta đánh giá xem liệu người đang được cứu xét đơn có cần đến sự bảo vệ của cơ quan tỵ nạn quốc tế hay không. Vì thế tôi nghĩ là điều hơi sai lầm khi nói rằng tình trạng đang cải thiện ở Afghanistan. Rõ ràng là tình trạng rất linh động, phức tạp, và, cực kỳ nguy hiểm ở một vài nơi trong nước."

Trong một thông cáo, giới hữu trách về di trú của Australia nói rằng chính phủ sẽ dành nơi trú ẩn cho người tỵ nạn thực sự, theo đúng các nghĩa vụ quốc tế của Úc và rằng những người được coi như không cần sự bảo vệ sẽ được gửi trả về Afghanistan.

Giới hữu trách Indonesia đã bầy tỏ lo ngại rằng quyết định của Australia tái tục việc xét đơn xin tỵ nạn có thể tạo ra một sự gia tăng số người lên đường đến lãnh thổ của họ. Indonesia thường được các băng đảng tội phám sử dụng làm điểm khởi hành cho các tầu thuyền tỵ nạn tiến vào hải phận hẻo lánh của Australia.

Mặc dầu phần lớn cuộc tranh luận công khai về người tỵ nạn ở Australia tập trung vào những người đến bằng tầu thuyền, các số liệu chính thức cho thấy một số lớn người xin tỵ nạn đến nơi bằng máy bay.

Các nhà nghiên cứu nói rằng có nhiều phần chắc nhất là người xin tỵ nạn đến Australia bằng thuyền được chấp nhận là dân tỵ nạn thực thụ hơn so với những người đến nơi bằng máy bay.

Australia cấp thị thực nhập cảnh cho khoảng 13.000 người tỵ nạn mỗi năm trong khuôn khổ các chương trình nhân đạo khác nhau.