Người đứng đầu Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, ông Jose Graziano da Silva, khen ngợi các chính sách nông nghiệp của Việt Nam trong việc phòng chống nạn đói ở địa phương và gia tăng xuất khẩu trong một khu vực lâu nay vẫn phải chống chọi với nạn đói kinh niên.
Ông da Silva nói: “Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đã gia tăng xuất khẩu và cũng bảo đảm an toàn lương thực trong nước, và đây là điều cấp thiết cho ổn định chính trị và cả hòa bình nữa.”
Châu Á Thái Bình Dương là nơi có hơn 60% dân số thế giới chịu nạn đói và suy dinh dưỡng. Hội nghị khu vực của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO tập trung vào việc tìm ra các phương sách bền vững để gia tăng sản lượng trước tình trạng giá lương thực tăng cao.
Giá bán lẻ gạo ở châu Á cao hơn từ 10% đến 30% so với giá ở thời điểm này năm ngoái. Giám đốc da Silva cảnh báo rằng giá cả có thể châm ngòi cho bất ổn xã hội.
Ông da Silva nói tiếp: “Chúng ta đã thấy ở nhiều nước, nhưng đặc biệt là tại các nước Ả Rập, ở châu Phi, rằng có mối quan hệ ngày càng tăng giữa xung đột và bất ổn lương thực. Khi dân chúng không được chính phủ bảo đảm an toàn về lương thực, khi họ không được hưởng giá cả hợp lý cho giỏ lương thực của mình, thì xung đột sẽ nẩy sinh.”
Việt Nam đã phát triển từ một nước thiếu lương thực cách đẩy 30 năm thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ nhì trên thế giới, sau Thái Lan. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 7,2 triệu tấn gạo.
Giám đốc châu Á của FAO Hiroyuki Konuma, cho rằng thành quả của Việt Nam là nhờ các khoản đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp, và ông kêu gọi các nước khác nên chú ý.
Ông Konuma cho biết: “Tăng trưởng khả năng sản xuất của nông nhiệp Việt Nam đã rất đáng kể trong thập niên vừa kể. Tăng trưởng khả năng sản xuất gạo đã nổi bật. Đây là một trong các bằng chứng về chính sách của chính phủ đã đặt trọng tâm vào tăng trưởng sản lượng nông nghiệp, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu nông nghiệp.”
Ông Konuma nói dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 1 tỷ người vào năm 2050, có nghĩa là có rất ít tiềm năng gia tăng diện tích đất trồng, nhất là ở châu Á. Theo ông, đó là lý do vì sao sản xuất lương thực tùy thuộc vào sản lượng gia tăng.
FAO ước tính rằng từ nay cho đến năm 2050, 91% tăng trưởng sản xuất lương thực sẽ phát xuất từ sản lượng cao hơn. Ông nói việc nghiên cứu là chủ chốt, và tổ chức của ông đang hợp tác với các nước khác, kể cả Bắc Triều Tiên, để cải tiến sản xuất.
Ông Konuma nói: “Chúng tôi đã đặt rất nhiều nỗ lực vào Bắc Triều Tiên, chúng tôi vừa khởi sự một chương trình.Chẳng hạn như, nếu Bắc Triều Tiên có thể khả năng sản xuất thêm 1 tấn mỗi hecta, thì nước này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt thực phẩm.”
Trong cuộc họp báo, ông Konuma cũng cho biết một dòng virut cúm gia cầm mới tác động đến các nước trong khu vực hiện đang được đặt trong vòng kiểm soát. Những trường hợp tử vong vì H5N1 mới đây ở Việt Nam là do một dòng virut cũ, đã có vắc-xin chủng ngừa.
Ông Graziano da Silva tiếp nhận chức tổng giám đốc FAO hồi tháng giêng năm nay. Ông nói sự gia tăng bền vững trong sản lượng nông nghiệp và một hệ thống thực phẩm toàn cầu “công bằng hơn và toàn diện hơn” là điều cần thiết nêu thế giới muốn giải quyền nạn đói trên toàn cầu.
Hội nghị trong 1 tuần sẽ kết thúc vào ngày mai.
http://www.youtube.com/embed/-R4YxZEuZRghttp://www.youtube.com/embed/7cpzADPMA9Q