Châu Á dự báo tăng trưởng dài hạn mặc dù Mỹ bị hạ điểm tín dụng

Màn hình hiển thị giá cổ phiếu tại Seoul, ngày 8/8/2011

Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục trượt dốc hôm thứ Hai, mặc dù cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor trấn an rằng quyết định lịch sử của họ hạ thấp điểm tín nhiệm tín dụng của Mỹ sẽ không có tác động tức thời đối với việc đánh giá uy tín tài chính các nước châu Á-Thái Bình Dương. Tường trình từ Jakarta, Thông tín viên Brian Padden của đài VOA nói rằng giới đầu tư đang hy vọng tình trạng suy sụp sẽ ngắn hạn, nếu Trung Quốc có thể ổn định lạm phát và nền kinh tế Mỹ không bị hạ thứ hạng tín dụng hơn nữa.

Giá cổ phiếu trên các thị trường Hong Kong và Nhật Bản giảm hơn 2% hôm thứ Hai, ngày giao dịch đầu tiên sau khi tin loan đi rằng Cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Standard & Poor’s (S&P) đã hạ điểm tín nhiệm tín dụng AAA đối với các trái phiếu của Hoa Kỳ. Các thị trường Thượng Hải và Seoul còn tồi tệ hơn nữa.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Kỳ đã mất thứ hạng cao nhất về uy tín tài chính. S&P trích dẫn quan ngại về món nợ quốc gia đang gia tăng, và tình trạng bất định về quyết tâm tại Quốc hội Mỹ trong nỗ lực kiềm chế vay nợ.

Cũng tác động đến sự tin tưởng của giới đầu tư là những lo ngại về tình trạng nợ chồng chất của Tây Ban Nha và Ý, hai nước có nguy cơ theo chân Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, để vận động được các nước còn lại trong Liên hiệp Châu Âu cứu nguy tài chính, làm tăng thêm nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng khác trên lục địa này.

Giới đầu tư tại Châu Á nói những dấu hiệu kinh tếï tiêu cực đó, cộng thêm những lo ngại kéo dài về tỷ lệ lạm phát cao ở Trung Quốc, sẽ khiến các thị trường chứng khoán Á Châu trở nên bất ổn trong ngắn hạn.

Các nhà đầu tư ở châu Á nói rằng những chỉ dấu kinh tế tiêu cực, cùng với những lo ngại từ lâu về tỷ lệ lạm phát cao ở Trung Quốc, sẽ khiến thị trường tài chính ở châu Á trở nên bất ổn trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, ông Peter Lai, giám đốc thương vụ của công ty chứng khoán DBS Vickers Hong Kong, nói trong khi dự kiến sẽ có biến động trên các thị trường chứng khoán châu Á trước những tin tức kinh tế tiêu cực vừa rồi, ông tin rằng nền kinh tế của các nước châu Á sẽ tiếp tục phát triển.

Ông Lai nói: "Tôi tin rằng sự hồi sinh của nền kinh tế trong dài hạn, chắc chắn sẽ chuyển từ châu Âu và Hoa Kỳ sang các nước châu Á, bởi vì tốc độ của tiến trình hồi phục tại các nước châu Á khả quan hơn nhiều so với các nước sử dụng đồng Euro hoặc Hoa Kỳ. "

Ông Lai nói rằng theo thời gian, giới tiêu thụ tại Châu Á sẽ tiêu xài nhiều hơn, và các nền kinh tế mới nổi khác có thể bù đắp vào sự sút giảm xuất khẩu sang các nền kinh tế Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, vốn đang trong tình trạng kinh tế trì trệ.

Ông Anton Gunawan, nhà kinh tế của Ngân hàng Danamon ở Indonesia, đồng ý với nhận định đó. Ông nói rằng trong khi tình trạng trì trệ sẽ tác động đến lĩnh vực xuất khẩu của Indonesia và gây thiệt hại ở mức độ nào đó, nền kinh tế Indonesia bây giờ ít phụ thuộc vào Hoa Kỳ hơn so với trước đây.

Ông Gunawan nói: "Chúng ta càng ngày càng thấy các hoạt động xuất khẩu của Indonesia tăng đáng kể trong nội bộ khu vực, giữa các nước châu Á. Đó là chưa kể Indonesia đã đa dạng hóa xuất khẩu, đến các thị trường taạ các khu vực khác như Đông Âu chẳng hạn. "

Giới đầu tư còn kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hãy bắt đầu một lần nữa, bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ để giúp củng cố tiến trình hồi phục kinh tế.

Ông Ben Kwong, phó giám đốc của ngân hàng đầu tư KGI Asia Ltd., nói bất kỳ tin tương tự nào từ Hoa Kỳ cũng sẽ có tác dụng tích cực tức thời đối với các thị trường châu Á, và nếu Trung Quốc ra tay kiểm soát lạm phát thì đó cũng sẽ là một yếu tố tích cực khác.

Ông Kwong nói: "Bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào từ nền kinh tế Mỹ, và một số tín hiệu tích cực từ Trung Quốc về mức lạm phát hiện đang ở đỉnh cao, sẽ giúp thị trường chứng khoán Hồng Kông phục hồi mạnh mẽ."

Ông Kwong nói trong khi tình hình kinh tế Hoa Kỳ đã làm chao đảo thị trường trong lúc này, giới đầu tư tiên đoán một thời kỳ tăng trưởng ổn định lâu dài tại châu Á.