ADB nói trước tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu chuyển hướng sang châu Á, thế kỷ này có thể gọi là “thế kỷ của châu Á.”
Trong bản dự thảo báo cáo đưa ra hôm thứ Tư tại cuộc họp thường niên ở Hà Nội, ADB nói nếu tăng trưởng nhanh chóng của châu Á tiếp tục và giải quyết được một số thách thức đáng ngại, châu Á đến trước 2050 có thể chiếm đến phân nửa sản lượng, trao đổi thương mại và đầu tư của thế giới.
ADB nói rằng nếu đà này tiếp tục, GDP của châu Á lúc đó sẽ là 148 ngàn tỉ đôla, so với 16 ngàn của bây giờ, và sẽ có 3 tỉ người châu Á hưởng thụ một cuộc sống phồn vinh.
Nhưng kết quả đó chưa được bảo đảm. Ông Rajat Nag, một giới chức cao cấp của ADB giải thích:
“Muốn đạt được hình ảnh đó, tăng trưởng kinh tế phải mang lại lợi ích cho mọi thành phần, nạn tham nhũng phải được khống chế, và óc doanh nghiệp cần được phát triển.”
Theo ông nếu châu Á giải quyết được ba chữ I; gồm có Inequities (các bất bình đẳng), Institutional deficiencies (các yếu kém về định chế), và Innovation (sáng tạo); thì có thể giải quyết được “bẫy sập về thu nhập trung lưu” và tiến đến hướng thực hiện Thế kỷ châu Á.
Ông giải thích “bẫy sập về thu nhập trung lưu” là một kịch bản trong đó các nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của châu Á - Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam - sẽ tăng chậm lại trong những năm sắp tới, và mức thu nhập đứng yên tại chỗ.
Nếu không giải quyết những được chuyện này, GDP của châu Á chỉ đạt 32% mức dự báo.
ADB nói nếu đạt được mức dự báo, GDP đầu người sẽ là 38 hay 39.000 đôla một năm vào năm 2050; nhưng con số này vẫn kém so với Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Báo cáo của ADB sẽ được mang ra thảo luận tuần này tai hội nghị quy tụ các giới chức ngành tài chính của 61 nước; trong đó có các nước cấp viện như Hoa Kỳ và Australia.
Ngân hàng Phát triển châu Á ADB nói rằng có thể đến 3 tỉ người châu Á sẽ có đời sống sung túc vào giữa thế kỷ này nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay tiếp tục và đáp ứng được nhiều thách thức.