Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ngày 15/10 nhất trí loại lãnh đạo của chính quyền quân sự Myanmar ra khỏi thượng đỉnh ASEAN trong tháng này, các nguồn tin cho hay. Đây là lập trường cứng rắn hiếm thấy của ASEAN vốn theo chính sách giao tiếp và không can thiệp.
Các Ngoại trưởng của ASEAN đã đưa ra quyết định này tại một phiên họp đặc biệt nhằm giải quyết việc quân đội Myanmar không tuân thủ tiến trình hòa bình mà họ đã đồng ý với ASEAN cách đây 5 tháng hầu ngăn chặn khủng hoảng đẫm máu do cuộc đảo chánh ngày 1/2 gây ra.
Theo Liên hiệp quốc, hơn 1.000 thường dân bị lực lượng an ninh Myanmar giết chết và hàng ngàn người khác bị bắt trong các cuộc đình công và biểu tình phản đối vụ đảo chánh vốn chấm dứt một thập niên dân chủ, khiến quốc tế lên án và chế tài.
Năm nguồn thạo tin cho hay người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Min Aung Hlaing, sẽ không được mời dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 26 đến 28 tháng 10. Thay vào đó, một nhân vật phi chính trị sẽ được mời tham dự.
Hai nguồn tin cho Reuters biết các Ngoại trưởng ASEAN nhất trí rằng nếu Myanmar không chấp nhận sự dàn xếp này thì ghế của Myanmar tại thượng đỉnh sẽ bỏ trống.
ASEAN chưa loan báo chính thức về những gì đã được giải quyết tại cuộc họp.
Phát ngôn viên quân đội Myanmar không trả lời yêu cầu bình luận.
Việc loại Myanmar ra khỏi thượng đỉnh là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của ASEAN, một tổ chức lâu nay bị chỉ trích là không có sức mạnh và không kiềm chế được các nước thành viên có lãnh đạo bị tố là tàn bạo, đàn áp dân chủ và đàn áp đối thủ chính trị.
Áp lực quốc tế đã khiến ASEAN có lập trường cứng rắn hơn trước việc Myanmar không có hành động như đã thoả thuận hầu chấm dứt bạo động, cho phép tiếp cận nhân đạo và bắt đầu đối thoại với phe đối kháng.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 15/10 cổ suý một lập trường mạnh mẽ hơn và được tán thành tại cuộc họp, theo Reuters.
Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Anh, Liên hiệp châu Âu cùng nhiều nước khác công bố một thông cáo chung vào ngày 15/10 bày tỏ quan ngại về “tình hình tồi tệ” tại Myanmar trong khi ủng hộ nỗ lực trung gian hòa giải của ASEAN.
“Chúng tôi tái xác nhận sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực tiếp diễn của ASEAN để vạch ra con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.”
Myanmar từng tuyên bố dốc lòng làm việc với ASEAN và vãn hồi trật tự trong nước để tạo điều kiện phục hồi dân chủ.