Các vị ngoại trưởng của các nước ở Đông và Đông nam châu Á đã công bố một thông cáo hôm nay kêu gọi 6 nước tham dự các cuộc đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hãy tạo dựng một bầu không khí thuận lợi hơn cho đối thoại.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói với các phóng viên rằng các vị bộ trưởng đang mưu tìm một con đường hòa bình dẫn tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Surin nói: “Tất cả đều bầy tỏ rằng họ có thể thực hiện một vài hành động tích cực về các cuộc đàm phán 6 bên. Họ đều lo ngại về diễn tiến hay bế tắc trên bán đảo Triều Tiên, và họ muốn nhìn thấy tất cả các bên thực thi nỗ lực đầy đủ để có thể thúc đẩy tiến trình đi tới, nhất là các cuộc đàm phán 6 bên.”
Các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã khựng lại từ năm 2008, là lúc Bình Nhưỡng bỏ ngang cuộc đối thoại. Trong mấy tháng vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tỏ ý cho thấy họ muốn tiếp tục các cuộc đàm phán, nhưng Nam Triều Tiên, được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và Nhật Bản, nói rằng Bình Nhưỡng phải chứng tỏ là họ thành thật về việc từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Trung Quốc và Nga cũng là những nước tham gia các cuộc thương nghị.
Các quốc gia thuộc 6 bên đã đồng ý rằng hai nước Triều Tiên phải thiết lập một cuộc đối thoại với nhau trước khi tiếp tục các cuộc đối thoại mở rộng hơn. Hãng tin Yonhap của Nam Triều Tiên nói rằng các ngoại trưởng Nam Triều Tiên và Trung Quốc đã tái khẳng định nguyên tắc đó trong một cuộc họp riêng ở Bali hôm nay.
Tuy nhiên, quan hệ liên Triều đang ở một điểm thấp sau 2 vụ tấn công vào các mục tiêu của Nam Triều Tiên hồi năm ngoái. Mới đây, miền Bắc nói họ sẽ không nói chuyện với Nam Triều Tiên chừng nào mà chính phủ hiện thời còn nắm quyền.
Cũng tại cuộc họp ASEAN Cộng 3, các nhà ngoại giao tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn một loạt các quy định nhằm thực thi một bản Tuyên ngôn về Hành xử trong vùng biển Nam Trung Hoa đã có từ 9 năm nay. Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân gọi thỏa thuận này là một dấu mốc quan trọng.
Ông Lưu nói: “Chúng tôi nhìn vào tương lai và thấy một tương lai sáng lạn với các nước ASEAN. Chúng ta muốn là bằng hữu tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, với các nước ASEAN.”
Các nhà lãnh đạo ASEAN nói các quy định này là một bước quan trọng trong việc khai triển một bộ quy tắc ứng xử để xử lý các vụ tranh chấp trong vùng biển Nam Trung Hoa.
Các nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippin và Việt Nam cùng với Trung Quốc và Đài Loan đều nhận chủ quyền một phần hay toàn bộ thủy lộ chiến lược được cho là giàu trữ lượng dầu khí này. Ông Lưu nói Trung Quốc sẽ chủ trì vòng thương nghị kế tiếp về vấn đề này trước tháng 11 năm nay.
Các vị ngoại tưởng họp tại một hội nghị quan trọng về an ninh khu vực tại Indonesia cho biết họ muốn nhìn thấy các cuộc đàm phán 6 bên về các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sớm được nối lại. Từ địa điểm cuộc họp thường niên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ở Bali, Indonesia, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.