ASEAN chờ đợi cuộc gặp với phó tổng thống và ngoại trưởng Mỹ

Các ngoại trưởng ASEAN từng được tổng thống Barack Obama (lúc đó) tiếp đón tại một cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ở Sunnylands ở California ngày 16/2/2016.

Trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida thì các bộ trưởng ASEAN đang đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp mặt với ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và chuyến thăm sắp tới của phó tổng thống Mike Pence.

Phó tổng thống Mike Pence dự kiến sẽ có chuyến công du tới châu Á vào tháng này trong lúc có những mối lo ngại về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lật ngược chính sách “xoay trục châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến sẽ gặp những người đồng nhiệm của ông từ ASEAN vào đầu tháng 5 này.


Hôm 4/4, ngoại trưởng Philippines đã công bố về cuộc gặp mặt sắp tới của các nhà ngoại giao hàng đầu ASEAN với ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và nói “chúng tôi đang rất mong đợi cuộc gặp này.”

Nhận định về cuộc gặp sắp tới của ngoại trưởng Mỹ với các bộ trưởng ASEAN, Amy Searight, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cho rằng “đây là một dấu hiệu tốt.”​

"Ngoại trưởng Rex Tillerson đã mời 10 đối tác đương nhiệm của ông là các bộ trưởng ngoại giao của khối ASEAN tới Washington vào đầu tháng 5. Tôi không nghĩ là họ đã có ngày giờ cụ thể nhưng điều này chắc chắc sẽ xảy ra," theo bà Searight.

Tổng thống Barack Obama khi còn đương nhiệm cũng đã có cuộc gặp với các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tổng thống Obama lúc đó đã chủ trì cuộc họp thượng đỉnh với những nhà ngoại giao hàng đầu của khu vực tại Sunnylands vào tháng 2 năm 2016. Đó cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trên đất Mỹ.

"...đã có một sự tái cân bằng thực sự trong chính sách về châu Á, tập trung nhiều về Đông Nam Á hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử. Những sự tiếp cận trước đây hầu như chỉ tập trung vào đông bắc Á. Nhưng dưới chính phủ của ông Trump, chưa có gì rõ ràng về việc liệu (Mỹ) sẽ tập trung vào Đông Nam Á ở mức độ nào."
Amy Searight, giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS

Theo các nhà phân tích, chính sách “xoay trục châu Á” là một phần quan trọng trong các chính sách ngoại giao của Mỹ trong thời gian 8 năm ông Obama làm tổng thống và châu Á, và chính quyền Obama rất chú trọng tới châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, để kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. ​"Rõ ràng là dưới thời của chính quyền Obama đã có rất nhiều nỗ lực để tái cân bằng (về châu Á), để tham gia một cách đầy đủ hơn nữa với các nước Đông Nam Á và với toàn bộ khối ASEAN. Do đó đã có một sự tái cân bằng thực sự trong chính sách về châu Á, tập trung nhiều về Đông Nam Á hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử. Những sự tiếp cận trước đây hầu như chỉ tập trung vào đông bắc Á. Nhưng dưới chính phủ của ông Trump, chưa có gì rõ ràng về việc liệu (Mỹ) sẽ tập trung vào Đông Nam Á ở mức độ nào."

Khi nhà tỷ phú Donald Trump lên nắm quyền, ông đã đánh đi các tín hiệu cho thấy chính sách xoay trục châu Á của tổng thống Obama sẽ không được tiếp tục nữa, và điển hình là việc tuyên bố rút Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây là hiệp định thương mại mà chính quyền tổng thống Obam đã dày công thương thuyết với 11 đối tác khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam,

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Mỹ để gặp Tổng thống Trump trong một hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa 2 nước.


Với cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp diễn ra tại tư gia của tổng thống Trump ở Mar-a-Lago, Florida, các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là ASEAN đang lo lắng theo dõi kết quả cuộc gặp này và xem có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ rút lui sự hiện diện quân sự trong khu vực khi mà Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động bành chướng sức mạnh nhất là trên biển Đông.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tại cuộc họp kín về mối quan hệ Mỹ-ASEAN do CSIS tổ chức với sự tài trợ của bộ Ngoại giao Mỹ, có nhiều mối lo ngại về những phát triển chính trị ở Washington và quan điểm rằng Đông Nam Á không ở trong “tầm ngắm” của chính quyền Donald Trump. Và họ cho rằng Mỹ đang đối mặt với một thách thức về lòng tin và sự tín nhiệm của họ trong khu vực.

Phó tổng thống Mike Pence cũng sẽ tới châu Á trong vài tuần nữa, dự kiến dừng chân ở Indonesia và Nhật Bản.


Nhà nghiên cứu Amy Searight cho rằng đây là “thời điểm tốt khi phó tổng thống Mike Pence sẽ tới Jakarta trong 1 vài tuần tới và chúng ta phải chờ xem ông ấy sẽ mang đến những thông điệp gì: liệu ông ấy sẽ nói đến các vấn đề trong khu vực nói chung hay đặc biệt trong khối ASEAN nói riêng.”

Bà nói: "Đó có thể là một chỉ dấu đầu tiên của quan điểm chiến lược của chính quyền (Trump) về khu vực Đông Nam Á. Nhưng cho đến lúc này chúng ta chưa nhìn thấy nhiều hành động cho thấy quan điểm của họ về Đông Nam Á như thế nào."

Cố vấn cao cấp của CSIS nói “mọi con mắt sẽ đổ dồn về phía Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi ông tới tham dự Đối thoại Shangri La (ở Singapore) để tìm những dấu hiệu hé lộ quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ đối với một số đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á.” Bà Searight nói chính sách “xoay trục châu Á” chưa hẳn đã “chết” và vẫn còn quá sớm để kết luận và rằng “chính quyền của Tổng thống Trump mới lên nắm quyền chưa được 100 ngày và họ còn đang tập trung vào những vấn đề lớn như Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.” Nhà nghiên cứu này nói “chúng ta phải chờ vài tuần có thể là vài tháng nữa mới thấy được những bàn luận về Đông Nam Á xuất hiện.”

Your browser doesn’t support HTML5

ASEAN chờ đợi cuộc gặp với phó tổng thống và ngoại trưởng Mỹ