Bầu cử Miến Điện, vấn đề Biển Đông gây chú ý tại thượng đỉnh ASEAN

  • Irwin Loy

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh (trái) nói chuyện với Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht (phải), trong lúc Tổng thư ký ASEAN Tổng thư ký Surin Pitsuwan, lắng nghe tại lễ khai mạc hội nghị doanh nghiệp ASEAN-EU ở Phnom Penh,

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo trong Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á họp tại Phnom Penh, nơi các vụ tranh chấp chủ quyền nhiều phần trong vùng Biển Ðông, cuộc bầu cử hôm qua ở Miến Điện, và kế hoạch phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên sẽ bao trùm các cuộc thảo luận. Từ thủ đô Campuchia, thông tín viên VOA Irwin Loy gửi về bài tường thuật sau đây.

Tiến trình cải cách chính trị của Miến Ðiện đã là mục tiêu nổi bật của khối ASEAN gồm 10 thành viên. Tháng 11 năm ngoái, nhóm này đã đồng ý để cho Miến Điện làm chủ tịch khối vào năm 2014 căn cứ vào các cải cách dân chủ của nước này.

Sau cuộc bầu cử bổ túc hôm qua, mà Miến Điện đã mời các đại diện ASEAN đến quan sát, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ca ngợi việc tiến hành cuộc bỏ phiếu.

Theo ông Natalegawa, Indonesia nhận thấy đó là một diễn biến rất tốt đẹp. Đó là một bước quan trọng trong việc giúp cho tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar không thể đảo ngược được.

Chủ tịch ASEAN trong năm nay là Campuchia đã công bố một thông cáo gọi cuộc bầu cử ở Miến Điện là “thành công” và “hòa bình”, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế cứu xét việc bãi bỏ các biện pháp chế tài kinh tế đã được áp dụng lâu nay.

Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitwuwan nói ông lấy làm “phấn khởi” trước cuộc bầu cử ở Miến Điện, còn được gọi là Myanmar.

Ông Surin tỏ ý hy vọng sự kiện này sẽ góp phần giúp Myanmar hòa nhập hữu hiệu hơn vào cộng đồng toàn cầu và ASEAn sẽ có khả năng làm việc về các vấn đề khác có ý nghĩa hơn và góp phần nhiều hơn vào phúc lợi của dân chúng ở Myanmar, thay vì bị kệt về vấn đề ổn định và thiếu hòa giải chính trị ở Myanmar.

Trong cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo vào tuần này, các vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Ðông cũng dự trù sẽ là một vấn đề được nhiều người chú ý.

4 nước thành viên ASEAN, cùng với Trung Quốc và Đài Loan, đều đòi chủ quyền nhiều phần trong vùng biển Nam Trung Hoa.

Tại một cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao hôm nay, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hối thúc các đối tác của ông tiến hành các biện pháp cụ thể tiến tới một bộ quy ước ứng xử tập thể, còn gọi tắt là COC, để giải quyết vụ tranh chấp. Ông Del Rosario nói ông hy vọng ASEAN sẽ xác lập chủ trương của mình trước cuối năm nay, nhưng cũng thừa nhận rằng khối này vẫn còn chia rẽ về thể thức xúc tiến.

Ngoại trưởng Philippines cho rằng sự bất đồng ý kiến nằm trong sự kiện là Philippines thì tán đồng việc chuẩn bị sẵn một dự thảo COC trước khi ngồi xuống thảo luận với Trung Quốc. Các nước khác thì chủ trương phải mời Trung Quốc tham dự các cuộc thảo luận sơ khởi.

Các vị bộ trưởng ASEAN cũng bày tỏ sự quan ngại về thông cáo của Bắc Triều Tiên về một vụ phóng vệ tinh đã được hoạch định. Các quan sát viên nói hướng đi của hỏa tiễn có thể là về phía nam gần lãnh thổ của Philippines, Australia hay Indonesia.

Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa kêu gọi Bắc Triều Tiên không nên phóng vệ tinh.

Ông Natalegawa nói Indonesia rõ ràng rất lấy làm quan ngại về triển vọng của vụ phóng vệ tinh, cả về mặt an ninh lẫn an toàn. Nhưng trên hết là về mặt vụ này sẽ gây rắc rối cho tình trạng thuận lợi của việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên.

Cuộc họp ngày hôm nay của các ngoại trưởng ASEAN diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh chính của các nhà lãnh đạo vào ngày mai.

http://www.youtube.com/embed/BAGDwdapI1E

http://www.youtube.com/embed/Ke0RoBGG8-g