Người dân ở khắp nơi trên thế giới đã nghiêm trọng đánh dấu 10 năm các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào Hoa Kỳ khiến ít nhất gần 3 ngàn người thiệt mạng nội trong 1 ngày.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới và các công dân đã dành thời giờ để tưởng nhớ những vụ tấn công kinh hoàng khiến cho công dân của chừng 90 quốc gia thiệt mạng sau khi những chiếc máy bay khủng bố đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, Ngũ Giác Đài và xuống một cánh đồng tại bang Pennsylvania.
Tại nước Ý, giáo hoàng Benedict đã cầu nguyện cho các nạn nhân các vụ tấn công và thân nhân của họ. Vị lãnh đạo giáo hội Thiên chúa La Mã kêu gọi tất cả mọi người hãy từ bỏ bạo động như một phương cách để giải quyết các dị biệt, mà thay vào đó hãy làm việc theo nguyên tắc đoàn kết, công chính và hòa bình.
Tại New Zealand, cầu thủ trong đội banh Rugby của Mỹ đã tham gia vào lễ tưởng niệm các vụ tấn công đó với nhiều xúc động, trước trận đấu với Ireland tranh giải thế giới. Sau đó đội banh của Mỹ đã thua trong trận đấu này.
Đại sứ Hoa Kỳ tại New Zealand, ông David Huebner lên tiếng trước những người tham dự lễ tưởng niệm, nói về sự kinh hoàng khi thế giới chứng kiến cảnh các máy bay lao vào các tòa nhà.
Cầu thủ Mike Petri của đội Rugby Mỹ nhớ lại lúc đó anh là một học sinh đang có mặt tại trường trung học chỉ cách nơi xảy ra khủng bố có mấy khu phố và thấy 2 chiếc máy bay bị không tặc đâm vào Trung Tâm Thương Mại Thế giới tại New York, phá sập tòa tháp đôi và gây thương vong cho hàng ngàn người ở bên trong.
Binh sỹ Mỹ tại Afghansitan cũng tưởng nhớ các nạn nhân ngày 11 tháng 9. Tướng lãnh Thủy quân Lục Chiến John Allen đã đánh dấu ngày tưởng niệm buồn thảm này trong một diễn văn nhớ lại một thập niên chiến tranh.
Chính phủ Pakistan hôm Chủ nhật lên tiếng rằng họ cùng với thế giới tưởng niệm những ai đã chết vào ngày 11 tháng Chín 10 năm về trước, cũng như những nạn nhân của các vụ khủng bố trên thế giới xảy ra từ ngày ấy.
Pakistan, một đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố và cuộc chiến tại Afghanistan, đã phải chịu đựng nhiều vụ khủng bố trong thập niên qua. Nhưng quốc gia này cũng lại có một số lớn quân Taliban ở dọc theo đường biên giới phía tây, và thủ lãnh al-Qaida Osama bin Laden đã bị hạ sát vào tháng Năm năm nay trong lúc ẩn trốn trong một dinh cơ ở phía bắc thủ đô Islamabad.
Taliban, lên án Hoa Kỳ sử dụng những vụ tấn công của họ làm một cái cớ để xâm lăng Afghanistan và Iaq, hôm Chủ nhật đã lên tiếng nhận là thủ phạm một vụ dùng xe tải gài bom tấn công ở miền đông Afghanistan khiến gần 80 binh sỹ Mỹ bị thương, và 2 người chết.
Nhà lãnh đạo Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng lên tiếng với cùng giọng điệu như Taliban.
Hoa Kỳ đã đưa quân vào Afghanistan chỉ một thời gian ngắn sau khi xảy ra các vụ khủng bố, lật đổ chính phủ Taliban, một chính phủ đã che chở cho màng lưới khủng bố al-Qaida. 10 năm sau, 130 ngàn binh sỹ thuộc lực lượng quốc tế vẫn còn phải chiến đấu đánh dẹp Taliban.
Tại một lễ tưởng niệm ở Canberra, Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Kevin Rudd đã cùng đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã thiệt mạng.
Người Anh đã đánh dấu ngày này bằng một thánh lễ tại giáo đường St. Paul.
Cầu thủ quán quân quần vợt Rafael Nadal cũng dành thời giờ tưởng nhớ những người đã khuất tại trận đấu mở màn của Hoa Kỳ.
Để nhắc nhở thật rõ là khủng bố vẫn còn là một đe dọa, Thụy Điển đã bắt giữ 4 nghi can lập kế hoạch tấn công tại Gothenburg, thành phố lớn hàng thứ nhì của quốc gia, vào hôm trước ngày 11 tháng Chín.
Nhà chức trách Thụy Điển đã đóng cửa một trung tâm nghệ thuật trong thành phố trong nhiều tiếng đồng hồ. Họ không cho biết chi tiết gì về vụ khủng bố có thể xảy ra.
Tại London, thái tử Charles và thủ tướng David Cameron cùng với thân nhân các nạn nhân trong lễ đặt vòng hoa tưởng niệm trong lúc 67 tên nạn nhân được xướng lên.
Hàng ngàn người đã tụ hội ở Paris cạnh tháp Eiffel và tại một thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà. Cựu Tổng thống Jacques Chirac là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm nước Mỹ sau các vụ khủng bố.
Trẻ em thắp nến và hát đồng ca tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, trong lúc đại sứ Afghansitan tại Hoa Kỳ, ông Eklil Hakimi, nói rằng nhân dân Afghanistan thấu hiểu nỗi đau của vấn đề khủng bố.
http://www.youtube.com/embed/EeFJukhAgM4http://www.youtube.com/embed/QIiMASYpsoohttp://www.youtube.com/embed/POdipWesdYg