Mùa Xuân Ả Rập đem lại những thách thức và thay đổi hệ trọng cho vùng Trung Đông trong năm 2011

  • Elizabeth Arrott

Mùa Xuân Ả Rập đem lại những thách thức và thay đổi hệ trọng cho vùng Trung Đông trong năm 2011

Làn sóng dân chúng nổi dậy tràn qua thế giới Ả Rập gây chấn động và đem lại không kém phần bất ngờ. Các lãnh tụ cai trị lâu đời bị lật đổ, những người khác thì ở thế trên bờ vực, và toàn vùng thay đổi vĩnh viễn.

Mùa Xuân Ả Rập khởi đầu bằng một cái chết: hồi đầu tháng giêng, người biểu tình xuống đường ở Tunisia để tỏ tình đoàn kết với một người bán trái cây trẻ tuổi, tuyệt vọng trước chế độ bạo tàn mà anh ta đang sống, đã nổi lửa tự thiêu.

http://www.youtube.com/embed/O4q6q9A-_js

Đó là một cái chết đã đem lại sức sống cho một phong trào sẽ làm thay đổi hướng đi của toàn vùng Trung Đông và Bắc Phi.

Từ nhiều thập niên, sinh hoạt chính trị trong vùng đã trì trệ. Các nước cộng hòa trên danh nghĩa là vương quốc của một số ít người giàu, với các khát vọng vua chúa muốn con cái tiếp tục cai quản đất nước. Dường như mọi sự sẽ không thay đổi, nhưng rồi tất cả đã thay đổi cùng một lúc.

Cuộc cách mạng chống lại độc tài, âm ỉ từ nhiều năm đã lên đến tột điểm. Đối với nhiều người, đã không còn đường quay trở lại.

“Một trong những cảnh tượng chúng ta thấy ở nhiều nước trong Mùa Xuân Ả Rập, đầu tiên là Tunisia, rồi đến Ai Cập, và sau đó là Libya và Syria, là những hình ảnh như thế này, thường là các thanh niên, sẵn sàng chết cho lý tưởng tự do, cho các khái niệm về quyền con người trước các giới chức an ninh có súng ở hết thành phố này đến thành phố khác và sự dũng cảm mới muốn đứng dậy chống lại sự ngược đãi mà chúng ta đã thấy, thực sự là điều đã khơi nguồn cho Mùa Xuân Ả Rập.” Đó là nhận định của bà Heba Morayef thuộc tổ chức Human Rights Watch.

Người biểu tình học hỏi lẫn nhau vì họ đang tranh đấu cho cùng một mục tiêu. Chính cái bản chất của giới lãnh đạo vô cùng áp bức là điều mà họ muốn phá vỡ.

“Tất cả đều có cùng một hệ thống – một nhà nước quân trị, tình báo, công an – như ở Tunisia, như ở Ai Cập, như ở Yemen, như ở Syria, cùng một hệ thống, vì thế mà phong trào dễ lây lan,” theo nhận xét của ông Said Sadek của trường Đại học American ở Cairo. “Một khi có được một cái gì tác động đến một quân cờ domino, thì toàn bộ các quân cờ sẽ bị tác động.”

Các vụ nổi dậy thay đổi không những các nhà cai trị ở các nước đó, mà còn làm lung lay những liên minh lâu đời.

Bà Morayef giải thích: “Nó đem lại cái cảm giác không thể dự đoán được về vùng Trung Đông dường như đã từng là một khu vực ổn định như thế: các nhà cai trị độc tài sẽ giao lại quyền lực cho con cái và nơi mà cộng đồng quốc tế có thể dựa vào việc có một số bạn bè trong vùng để bảo đảm sự ổn định. Tôi nghĩ những khái niệm như thế về vùng Trung Đông đã bị phá vỡ.”

Người ta còn đang suy xét về việc liệu các cuộc phản kháng có sẽ đem lại hy vọng chuyển tiếp qua các chính phủ đại diện cho dân chúng hay không. Một số người coi sự nổi lên của các đảng Hồi giáo ở Tunisia và Ai Cập như một mối đe dọa cho một sự chuyển đổi qua thể chế dân chủ.

Và đối với những người khác trong khu vực, thì cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục.

Nhưng có một điều chắc chắn là những người trẻ tuổi can trường này đã trở nên một đơn vị bầu cử, một khối mà mọi nhà lãnh đạo mới trong thế giới Ả Rập từ nay trở đi sẽ phải đối phó.

http://www.youtube.com/embed/ufjO_lPxmKc