APEC Việt Nam 2017
Lần thứ hai trong lịch sử, Việt Nam tổ chức thượng đỉnh APEC năm nay, sau APEC 2006.
Với chủ đề ‘Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,’ thượng đỉnh APEC 2017 quy tụ lãnh đạo kinh tế của 21 thành viên APEC để bàn về tương lai tự do mậu dịch, tăng trưởng kinh tế và vai trò của APEC trước các thách thức chung của khu vực.
APEC 2017 cũng sẽ giúp thúc đẩy thực thi Các mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do, mở rộng trước cuối năm 2020.
Chủ đề APEC năm nay cho thấy các nền kinh tế thành viên APEC muốn tìm kiếm ‘động lực mới’ để hội nhập, tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và hướng tới mục tiêu dài hạn xây đắp tương lai hòa bình, phát triển và thịnh vượng.
Giới chức Việt Nam cho biết tổ chức APEC lần thứ nhì là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Các cuộc họp APEC năm nay diễn ra tại nhiều địa điểm trên cả nước và trong hai ngày 10 và 11 tháng 11, thành phố du lịch nổi tiếng Đà Nẵng là nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, hay còn gọi là Hội nghị Các lãnh đạo Kinh tế APEC, đỉnh điểm của APEC.
Mục tiêu
Việt Nam cho biết dồn sức cho bốn ưu tiên gồm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng để hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cơ hội và thách thức
Thượng đỉnh APEC 2017 mang lại cho Việt Nam cơ hội để thể hiện là địa điểm của du lịch, kinh doanh, hội nghị. Tham gia APEC và lại được tổ chức sự kiện lớn này còn là một lợi thế giúp Việt Nam thu hút đầu tư-giao thương.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, muốn tận dụng được lợi thế đó, Việt Nam cần nỗ lực cải cách hơn nữa để chứng minh là một đối tác văn minh, khả tín, và tuân thủ luật lệ không chỉ về mặt kinh tế mà cả về chính trị và quản trị xã hội.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà quan sát và bình luận được nhiều người biết tiếng từ California (Hoa Kỳ) nói với VOA rằng để diễn đàn APEC không chỉ là một ‘talk-show’ mà là một hạt giống mang trái ngọt đến cho Việt Nam, Hà Nội cần chú ý đến những ‘hạ tầng cơ sở’ từ thực thể cho tới phi thực thể như luật lệ và sự minh bạch hóa thông tin, vốn là những yếu tố ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam lâu nay.
“Một trong những trở ngại bất lợi cho Việt Nam, không chỉ về mặt kinh tế, là vấn đề nhân quyền. Điều đó rất quan trọng, đừng nên quên,” chuyên gia này nhắc nhở.
APEC: Vai trò và lịch sử
APEC là khối thương mại chính, bao gồm 39% dân số thế giới, chiếm 59% GDP toàn cầu, và 48% thương mại của hành tinh này. APEC đề xướng tự do thương mại. Kể từ khi khởi sự vào năm 1989, tỷ suất thuế trung bình giữa các thành viên đã giảm gần 2/3 trong khi mậu dịch qua lại trong khu vực đã tăng hơn gấp 7 lần.
Ý tưởng đầu tiên được nhắc đến trong diễn văn của Thủ tướng Australia, Bob Hawke đầu năm 1989. Mười tháng sau, 12 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương nhóm họp tại Australia, bàn việc hình thành APEC.
Các thành viên ban đầu gồm Australia, Mỹ, Canada, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Brunei.
Tới 1991, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan gia nhập. Hai năm sau, APEC kết nạp thêm Mexico, Papua New Guinea. Năm 1994, Chile ghi tên. Nga và Việt Nam bước vào diễn đàn này vào năm 1998. Qua bốn lần mở rộng, APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương.
Gia nhập APEC là một bước quan trọng đối với quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam nói các thành viên APEC chiếm khoảng 78% trong tổng số đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chiếm 75% thu nhập mậu dịch nước ngoài, và 79% du khách quốc tế tới thăm Việt Nam. Trong số 16 thỏa thuận thương mại đã ký kết hay đang thương lượng có 13 thỏa thuận là với các thành viên APEC.
Nguồn tham khảo: Oxford Business Group/apec2017.vn