Áp dụng luật đại lục, nền tự trị đặc khu Hong Kong bị đe dọa?

Các nhà lập pháp thân dân chủ thuộc Hội đồng lập pháp Hong Kong, Edward Yiu, Nathan Law, Leung Kwok-hung và Lau Siu-lai phản đối bên ngoài Tòa án Hong Kong, hôm 14/7/2017. (Ảnh AP/Kin Cheung)

Hong Kong hôm 25/7 loan báo kế hoạch gây nhiều tranh cãi, cho phép các giới chức ở Hoa lục thực thi luật áp dụng trên đại lục bên trong một trạm xe lửa Hong Kong, trong một sự dàn xếp về di trú bị giới chỉ trích coi là vi phạm nền tự trị của Hong Kong, và đe dọa các quyền tự do hiện hữu của đặc khu này.

Luật căn bản, được coi như tiểu hiến pháp của đặc khu Hong Kong, quy định rằng ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, các đạo luật của Trung Quốc không được áp dụng tại thành phố Hong Kong, và không có cơ quan bộ sở nào có quyền can thiệp vào các vấn đề ở Hong Kong.

Tuy nhiên chính quyền địa phương nói rằng các khu bến cảng Hoa Lục ở bên trong trạm xe lửa, dự kiến mở cửa vào mùa thu năm tới, sẽ được coi như bên ngoài ranh giới lãnh thổ Hong Kong, và vì thế các điều khoản trong Luật Căn bản không được áp dụng.

Là một cựu thuộc địa của vương quốc Anh, Hong Kong được giao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, cư dân được hưởng các quyền tự do rộng rãi - mà người dân Hoa Lục không được hưởng, và một nền tư pháp độc lập dưới công thức “một quốc gia, hai thể chế.”

Nhưng vụ các điệp viên Hoa lục bắt cóc những nhà bán sách ở Hong kong hồi năm 2015 vì đã xuất bản những quyển sách chỉ trích Trung Quốc, và các nỗ lực của Bắc Kinh để loại những dân biểu được bầu vào hội đồng lập pháp địa phương một cách dân chủ, đã làm lung lay niềm tin vào nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế.”