Quyết định của nước Anh trong việc tước quốc tịch của một nữ sinh trốn sang Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo (ISIS) vì các lý do an ninh đang gây ra nhiều tranh cãi vì đã khiến cho bà mẹ 19 tuổi có đứa con với một chiến binh thánh chiến rơi vào tình trạng phải tự bảo vệ mình trong vùng chiến sự, theo Reuters.
Số phận của Shamima Begum, người đã được tìm thấy trong một trại giam ở Syria vào tuần trước, đang đặt ra câu hỏi hóc búa về khía cạnh đạo đức, pháp lý và an ninh mà các chính phủ đang phải đối mặt khi đối phó với gia đình của những chiến binh đã thề tiêu diệt phương Tây.
Trong tình hình Nhà nước Hồi giáo đã bị suy kiệt và lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo đã sẵn sàng chiếm cứ điểm cuối cùng của ISIS ở miền đông Syria, các thủ đô phương Tây đang cố gắng tìm ra giải pháp xử lý các chiến binh thánh chiến nước ngoài và vợ con của họ.
Begum, cựu nữ sinh Anh đã bỏ trốn sang Syria theo ISIS từ năm 15 tuổi và đã sinh đứa con thứ ba vào cuối tuần rồi, đang gây ra những phản ứng dữ dội ở Anh khi cô tỏ ra không hối hận về việc đã chứng kiến ISIS chặt đầu nhiều người và thậm chí tuyên bố vụ tấn công tự sát ở Manchester 2017 là hợp lý. Vụ tấn công này đã giết chết 22 người.
Cô đã cầu xin được trở về Anh với gia đình ở London và nói rằng cô không phải là một mối đe dọa.
Nhưng ITV News đã công bố một lá thư ngày 19/2 từ Bộ Nội vụ gửi cho mẹ cô nói rằng Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã quyết định tước quyền công dân Anh của con gái bà.
Reuters trích dẫn bức thư nói: “Về hoàn cảnh của con gái bà, xin thông báo về quyết định của Bộ trưởng Nội vụ đã được đưa ra trong hồ sơ hôm nay và lệnh tước quyền công dân Anh của cô đã được đưa ra sau đó”.
Bức thư yêu cầu mẹ của Begum phải thông báo cho con gái về quyết định này và cũng đưa ra quy trình kháng cáo.
Khi được hỏi về quyết định này, một phát ngôn viên cho biết ưu tiên của ông Javid là “an toàn và an ninh của nước Anh và người dân sống tại đây”.
Begum là một trong ba nữ sinh đã bỏ trốn khỏi London vào tháng 2 năm 2015 để bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó vượt qua biên giới vào Syria.
Từ London đến Syria
Các video tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo đã dụ dỗ cô đổi London lấy Raqqa, một bước đi mà cô vẫn nói là không hối hận. Cô bỏ trốn khỏi “Vương quốc Hồi giáo” tự phong chỉ vì muốn được sinh con bên ngoài vòng chiến.
“Khi tôi nhìn thấy cái đầu đầu tiên bị chặt đứt bỏ trong một cái thùng, điều đó không hề khiến tôi bối rối. Đó là một chiến binh bị bắt trên chiến trường, một kẻ thù của Hồi giáo”, Reuters dẫn lại lời Begum nói với tờ Times, tờ báo đầu tiên phát hiện ra cô trong trại ở Syria.
Cô cũng gay gắt không kém khi mô tả về các video mà cô đã thấy về những con tin phương Tây bị chặt đầu, vẫn theo Times.
Begum đã đặt tên đứa con mới sinh của mình là Jerah, theo ý muốn của người chồng cô là chiến binh thánh chiến tên Yago Riedijk, một người Hà Lan ở thành phố Arnhem đã cải đạo sang Hồi giáo. Ông đã bị ISIS tra tấn vì nghi ngờ là gián điệp, nhưng sau đó được thả ra.
Một đứa con trai khác của Begum, cũng được đặt tên là Jerah, đã chết khi mới 8 tháng tuổi. Con gái Begum, tên Sarayah, cũng chết khi được 1 tuổi 9 tháng, Times cho biết.
Luật sư của gia đình cô cho biết sẽ tìm cách kháng cáo quyết định của chính phủ Anh về việc tước quyền công dân của cô.
“Chúng tôi đang xem xét tất cả các con đường hợp pháp để thách thức quyết định này”, Reuters dẫn lời luật sư Tasnime Akunjee nói.
Luật Anh không cho phép Bộ trưởng Nội vụ tước quyền công dân Anh của một người vì lợi ích của công chúng, mặc dù quyết định như vậy không làm cho người đó rơi vào tình trạng vô tổ quốc nếu họ được sinh ra là công dân Anh.
Cảnh sát Bangladesh cho biết họ đang kiểm tra xem Begum có phải là công dân Bangladesh hay không, và Đảng Lao động đối lập của Anh nói rằng quyết định của chính phủ là sai.
“Nếu chính phủ đề xuất biến Shamima Begum rơi vào tình trạng vô tổ quốc thì đó không chỉ là vi phạm luật nhân quyền quốc tế mà còn không đáp ứng các nghĩa vụ về an ninh của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế”, phát ngôn viên của đảng Lao động nói về các vấn đề gia đình.
Ken Clarke, cựu Bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ, cho biết ông rất ngạc nhiên khi các luật sư của ông Javid đã cho ông lời khuyên như vậy.
“Điều chúng ta không thể làm là cứ để mặc họ ở trong trại ở Syria... cho đến khi họ phân tán ra khắp thế giới và tìm đường quay trở lại đây”, ông nói.
“Tôi nghĩ rằng người Đức, người Pháp và chính chúng ta phải tìm ra cách đối phó với vấn đề khó khăn và, tôi đồng ý, là nguy hiểm này”, ông nói.