Anh em tôi

  • Ledung

Anh em tôi

Ledung: Sinh năm 1958 tại Hà nội. Hiện dạy học tại Hà nội. Blog của Ledung là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

“To live in hearts we leave behind
Is not to die.”
Thomas Campbell, "Hallowed Ground"

Tôi lên thăm anh một chiều đông cuối năm. Con đường mòn lồi lõm những vết chân trâu đưa tôi xa dần con đường quốc lộ, lên khu đồi cao. Ngày đông ở vùng núi ngắn đến hụt hẫng, chiều sẽ thoáng chốc chuyển sang đêm, kéo xuống từ thinh không những li ti sương muối, hững hờ mà lạnh buốt. Không gian im lìm, một thứ tĩnh lặng thiêng liêng mà người ta thường ao ước có mỗi khi đến những nơi thế này... Anh tôi nằm lại đây, nơi dừng chân cuối cùng của anh, trên sườn đồi giữa muôn vàn những bụi hoa sim tím, cánh mỏng mong manh như kiếp người. Ngày xưa chiều chiều hai anh em tôi thường mang theo một lon sữa bò rỗng, leo lên đồi tìm hái những quả sim chín. Anh tôi bảo phải đợi đến chiều muộn, sau một ngày nắng gắt, thì sim mới thật ngọt. Tôi không biết tại sao. Có nhiều hôm đựng đầy ống bơ, tôi tiếc rẻ giơ cả hai vạt áo ra hứng. Về nhà đổ sim ra rổ thì chiếc áo đã lấm lem những đốm hồng tím của nước sim ứa ra. Mẹ tôi vừa cởi áo tôi ra giặt vừa rầy la hai anh em. Anh tôi nhe răng cười khì, còn tôi thì vô tư nhai những quả sim ngọt lịm. Hình như hồi đó tôi vẫn nghĩ rằng nếu bố mẹ có la mắng là la mắng anh tôi thôi, còn tôi chẳng dính dáng gì cả. Tại sao tôi có ý nghĩ đó thì tôi không hiểu, nhưng hình như chính anh tôi cũng sẵn sàng gánh hết tội lỗi về mình, chẳng chút giận hờn tị nạnh. Ngày xưa...! Tôi ngồi xuống, thong thả xếp những quả cam vàng, những quả táo đỏ, những thứ mà ngày xưa anh tôi chẳng mấy khi được ăn, vào chiếc đĩa tôi đem theo từ nhà, và không quên đặt bên cạnh một bao thuốc lá, một cút nhỏ rưọu gạo mua ở một chợ quê ven đường, cùng một xấp tiền vàng âm phủ. Anh tôi không biết nhiều về rưọu và thuốc, tôi cũng không phải là người chăm chỉ thờ cúng, không phải là kẻ tin rằng sau khi chết người ta vẫn tiếp tục sống một cuộc sống khác, nhưng vì thương anh, tôi làm theo tất cả nhưng gì mà các bà già quê chỉ bảo, mong sao... Tôi thắp lên cả một bó hương lớn, nhờ khói hương xua tan chút giá lạnh, mang lại chút ấm áp cho nơi này. Rồi tôi bó gối ngồi xuống bên anh, và chúng tôi cùng nhìn về một hướng, như ngày xưa chiều chiều anh em tôi vẫn thường dẫn nhau lên con đê cuối làng, nhìn về Hà Nội, và nhớ... Anh lớn hơn tôi, biết nhiều hơn tôi, và có phải vì thế mà nỗi nhớ cũng da diết hơn tôi, đủ để biến thành những giọt nước mặn chứa đầy đôi mắt? Đôi khi tôi thấy anh khóc, mấp máy môi gọi mẹ. Tôi đứng bên, chỉ biết nắm chặt tay anh, và nhìn anh. Tôi biết anh không thích điều đó, vì anh thường quay mặt đi, dứt tay ra khỏi bàn tay tôi, dáng vẻ bồn chồn, bực bội, rồi đột ngột kéo tôi quay về, không tìm hái cho tôi những cây cỏ chọi để đem về chơi như mọi lần. Ngày đó...!!! Tôi ngồi, miên man nghĩ, mà có nghĩ gì thật không? Và lặng lẽ kể cho anh nghe về những gì thoáng đến trong tôi, những câu chuyện không đầu, không cuối. Tôi hỏi, mà không chờ câu trả lời. Tôi than, mà không mong một lời an ủi. Tôi kể, như một nhu cầu được nói, được giãi bầy. Không với ai, không ở đâu tôi được nói mà không cần phải vòng vo, suy tính như khi tôi nói chuyện với anh. Tôi nhớ anh... và tôi ao ước vô cùng được có anh bên cạnh... Những lời thì thầm, những dòng nước mắt, lặng lẽ, xót xa. Ba mươi năm không xóa nhòa được những đau đớn, mất mát trong tôi. Anh tôi đi, mang theo cả đứa em gái mà anh rất đỗi yêu thương, dắt theo cả chuỗi ngày của tuổi thơ mà tôi cố níu kéo, để lại mình tôi, với những câu chuyện dang dở mà từ đây luôn bắt đầu bằng chữ “TÔI” cô độc.

***

Anh ra đời trước tôi hai năm. Là con trai, đâu cần đẹp. Vậy mà bố mẹ tôi hào phóng tặng anh tất cả những nét đẹp hiếm hoi của cả hai người cộng lại: cái mũi thẳng, đôi mắt to, sáng và cặp môi đầy đặn mà sau này một cô bạn gái của tôi thường nói lén là rất ‘gợi cảm’. Còn tôi thì đúng là ‘trâu chậm uống nước đục’. Tôi biết là tôi không đẹp. Mà không muốn biết thì cũng không xong. Ngay từ ngày còn nhỏ, mỗi lần bố bế tôi vào lòng nựng: “Con gái rưọu của bố xinh không này!” là tôi lại cảnh giác liếc mắt nhìn quanh. Anh tôi mà có mặt lúc đó thì quả là đại họa. Tôi không biết tụi con trai khác khi nào thì chun chun cái mũi, nhăn nhăn cái mặt, chứ còn đối với anh tôi thì cái điệu bộ đó rành rành là một kiểu phản kháng: “Giời ơi, xinh xắn gì!” Và khốn khổ, tôi lại tin cái thông điệp không phát thành lời của anh hơn nghìn câu nói nựng của bố. Không biết có phải vì vậy mà anh tôi kết luận chắc nịch là tôi ‘thông minh có thừa’ không.

Mới chín, mười tuổi anh tôi đã nằm trong cái nhóm đầu bảng của những đứa con trai quậy phá nhất khu. Tôi nghe người lớn gọi anh tôi là ‘quỉ sứ’, kèm một cái chép miệng và lắc đầu. Thỉnh thoảng lại có người đến nhà, xin gặp bố mẹ tôi để mách tội anh. Có lần một bà còn lôi xềnh xệch theo thằng con, réo tên anh tôi từ đầu ngõ mà riếc móc vì can tội “rủ rê con bà chui bờ rúc bụi đánh trận giả nên ong nó mới đốt cho sưng vù mặt mày lên thế này”. Những lúc như vậy anh tôi bao giờ cũng bị bố điệu ra, khoanh tay đứng đó nghe kể tội... Hồi đầu mỗi khi nghe có chuyện thì đang ở đâu tôi cũng hộc tốc chạy về, đứng nép sau cửa lắng nghe. Nghe mãi cũng chán, tôi bắt đầu quay sang quan sát anh tôi một cách tò mò... Cái dáng điệu của anh thật tức cười: đầy vẻ ăn năn, hối lỗi ... trong khi tôi biết thừa là chẳng có chữ nào lọt vào đầu anh. Một hôm có người đến kiện anh vì tội quả đu đủ chín trong vườn nhà bà bỗng nhiên không cánh mà bay. Tôi biết anh chúa ghét đu đủ, vậy mà anh đứng yên nghe, không một lời thanh minh. Bà ta vừa đi khuất, tôi kéo anh tôi vào góc bếp thì thầm: “Sao anh không lấy mà cũng nhận?” Anh cười: “Không nhận bà ấy cũng chẳng tin. Còn mách thằng Hùng thì bố nó đánh nó chết. Ông ấy ác lắm!” Rồi anh thản nhiên nhón một khúc sắn luộc mẹ tôi vừa vớt ở nồi ra, biến mất hút, để tôi đứng ngẩn tò te cố gắng hiểu cái thông điệp mà anh để lại.

Phải thú thật rằng anh không phải là đứa con duy nhất khiến bố mẹ tôi phiền lòng. Là con gái mà sao tôi ghét những bộ váy áo đính nơ, cườm rườm rà, tôi ghét cái điệu bộ õng ẹo, nũng nịu của lũ con gái cùng tuổi, tôi chẳng biết trong nhà tôi gương treo ở chỗ nào… Tôi ngưỡng mộ những trò quậy phá của anh, tôi thích thú những buổi cùng anh và lũ bạn anh trèo rào hái trộm ổi trong chùa, sợ ma và bóng đêm ghê gớm, vậy mà không có tối nào anh đi chơi trốn tìm mà tôi không theo. Anh đi trước là tôi bám sau. Lũ bạn trai của anh mỗi khi thấy anh xuất hiện với cái đuôi dai nhanh nhách là tôi lại thở hắt ra, ngao ngán ra mặt. Lẫn vào giữa đám con trai đó, tôi bêu nắng, trèo cây, tát cá… Đêm đêm mẹ ôm tôi vào lòng, vuốt ve mái tóc cháy nắng của tôi, rồi thở dài: “Con gái thế này lớn lên ai dám lấy.”

***

Chiến tranh lan rộng, anh em tôi theo trường sơ tán về một ngôi làng nhỏ rợp bóng tre xanh, chi chit ao đầm, với ngôi đình làng cổ kính bên cây đa già, và một sân đình làng rộng mênh mông… Chiến tranh là lo âu, là mất mát, là ưu phiền… cho người lớn, còn với bọn trẻ thành phố chúng tôi thì cuộc sống nơi thôn dã này là một cuộc phiêu lưu bất tận. Tôi không còn nhằng nhẵng bám theo anh tôi nữa. Tôi đã có những đứa bạn quê sẵn sàng đưa tôi đi khắp nơi, giúp tôi thoả mãn trí tò mò và tính hiếu động. Vụ gặt đến, tôi vác rổ cùng bọn trẻ đi mót lúa. Mùa xuân sang, tôi ra đồng từ sáng tinh mơ, lom khom tìm hái những cây rau khúc nếp lá trắng bạc, còn đọng long lanh những giọt sương đêm, đem về cho bác chủ nhà làm bánh, những chiếc bánh khúc bọc nếp thơm ngon, béo ngậy. Mùa hè về, tôi leo ngồi vắt vẻo trên cây ổi, lựa những quả chin trong tầm tay, và thưởng thức vị ngọt thơm của những quả ổi đào, ổi mỡ… Cuộc sống ở đây dường như hợp với tôi hơn chốn thị thành.

Anh tôi vẫn theo đuổi những trò chơi của anh. Tôi mải mê với đám bạn của tôi. Chỉ tối đến, lên giường, chúng tôi mới rúc rich kể cho nhau nghe về những gì chứng kiến trong ngày. Nói là ‘chúng tôi’ nhưng kẻ tranh phần nói nhiều nhất vẫn là tôi: láu táu, náo nức, liền tù tì… Tôi là kẻ thực mơ lẫn lôn. Những câu chuyện mà khi kể tôi thường thi vị hoá những gì tôi yêu, hài hước hoá những chi tiết vốn đã nực cười. Tôi kể say sưa, và anh không bao giờ ngắt lời tôi. Anh nói tôi là kẻ kể chuyện hay nhất mà anh từng biết, và tôi tin, không mảy may nghi ngờ những gì anh nói. Sau này lớn lên, tôi cũng thường trở nên lắm lời với nhũng người mà tôi yêu thương… nhưng những câu chuyện về anh thì tôi thường giữ lại cho riêng mình.

***

Bó hương đã cháy tàn. Bầu trời sẫm lại. Bóng tối đã bắt đầu len lỏi trong những khóm tre dưới chân đồi. Tôi thắp bó hương cuối cùng, cắm lên mộ anh. Tôi muốn hơi ấm và ánh sáng còn ở lại với anh, dẫu chỉ là chốc lát, sau khi tôi ra về. Bước chân tôi xuống đồi vấn vít trong những cây cỏ may, mảnh mai mà đầy quyền lực. Triền đê, nơi anh em tôi thường đứng những chiều xưa, cũng vướng đầy cỏ may. Tôi thường thích thú chạy trong đám cỏ, mặc sức cho những bông hoa cỏ li ti sắc nhọn găm đầy hai ống quần, để rồi tối về anh lại phải loay hoay ngồi nhặt từng chiếc một. Cỏ may… nhánh cây duy nhất nằm ép giữa những trang thư tình, trong chiếc hộp nhỏ, được gửi về cùng chiếc balô, gia tài còn lại duy nhất của anh, cho bố mẹ tôi. Tôi không bao giờ tìm cách để biết vì sao lại là một nhánh cỏ may. Có khác gì đâu? Lần đầu tiên anh kể cho tôi nghe về người con gái đó là một đêm trăng sáng, trước ngày anh ra trận. Tôi không nhớ nhiều về chị, nhưng tôi không thể quên giọng kể trầm trầm, đôi khi như ngập ngừng của anh, trong ánh trăng vằng vặc đêm đó.

Rồi anh đi, rong ruổi trên những nẻo đường của chiến tranh. Hiếm hoi lắm bố mẹ và tôi mới nhận được thư anh. Đôi khi tôi bắt gặp mẹ ngồi lặng lẽ khóc. Mẹ nhớ thương anh. Bố tôi trở nên trầm tư. Còn tôi… Tôi học cách sống không có anh ở bên. Tôi đọc đâu đó rằng “Nỗi cô đơn dạy con người ta biết yêu”. Tôi không cô đơn, nhưng xa anh khiến tôi hiểu anh có ý nghĩa với tôi nhường nào.

***

Năm tháng lặng lẽ trôi.

Rồi một chiều trên đường về nhà, tôi sững sờ nghe tiếng gọi “Dung ơi!” quen thuộc. Run rẩy, tôi từ từ quay lại. Anh tôi đang rời xa một đám bạn, chạy băng qua sân vận động về phía tôi, tay giơ lên vẫy, và một nụ cười làm sáng bừng cả khuôn mặt anh. Tiếng gọi đó, dáng chạy nghiêng nghiêng đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời này.

Từ chiến trường Căm-pu-chia trở về, anh được về thăm nhà một ngày trước khi chuyển lên biên giới phía bắc. Anh nói anh sắp được giải ngũ. Mẹ tôi cười mà lại giơ tay lau nước mắt. Tôi lại trở nên huyên thuyên. Anh cũng nói nhiều hơn, nhưng không một lời về những gì anh đã trải qua trong những năm tháng khói lửa đó. Cũng không ai hỏi... Đêm đó là lần đầu tiên sau năm năm xa cách cả nhà tôi được sum họp bên nhau, và chẳng ai ngờ rằng đó cũng là đêm cuối cùng.

Tinh mơ hôm sau, một người bạn đến đưa anh ra bến xe trở về đơn vị. Trước khi rời nhà, anh đến bên giường tôi, cúi xuống. Cuộn tròn trong chăn ấm, tôi chìa một bàn tay ra ngoài. Chúng tôi nắm tay nhau, nhìn nhau mỉm cười, và anh đi, cánh cửa nhẹ nhàng khép lại sau lưng.

Đó là lần cuối cùng tôi được nắm bàn tay anh.

***

Giỗ một trăm ngày mất của anh rơi đúng vào sinh nhật anh tròn 24 tuổi. Tôi mua một bó hoa trắng, cắm vào chiếc bình thủy tinh trong, và đặt lên bàn, cạnh bức chân dung một thanh niên trẻ trung, tràn đầy sức sống, với nụ cười ngượng ngập thoáng đọng trên môi, và một đôi mắt trong sáng nhìn thẳng về phía trước.

***

Cuộc sống vẫn không ngừng trôi. Anh em tôi đã nắm tay nhau, cùng đi qua một tuổi thơ vất vả mà hồn nhiên, trong sáng, cùng ngập ngừng sẻ chia những rung động, trăn trở thầm kín đầu đời, cùng bước qua một cuộc chiến nhiều đau thương, mất mát, rồi bất ngờ anh dừng lại, buông tay, thả tôi một mình lần bước nốt chặng đường còn lại.

Nhưng tôi biết, anh tôi chẳng hề muốn điều đó.

Hà nội 14/12/2009