Sự phá vỡ pháp quyền trên quốc tế đang được đẩy nhanh thông qua sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và trí tuệ nhân tạo, có nguy cơ làm gia tăng vi phạm nhân quyền, theo phúc trình thường niên của Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố ngày 24 tháng 4.
“Trật tự dựa trên luật lệ quốc tế đang trên bờ vực sụp đổ. Trên thực tế, các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ngày càng nhiều và ngày càng gia tăng, phần lớn là do số lượng các cuộc xung đột vũ trang ngày càng tăng. Những kẻ thủ phạm không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn tìm cách biện minh cho những hành vi vi phạm đó dưới danh nghĩa tự vệ, an ninh quốc gia hoặc chống khủng bố,” tổng thư ký Ân xá Quốc tế, bà Agnes Callamard, nói với VOA.
Vi phạm tại Gaza
Ân xá Quốc tế nêu bật cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza. Bộ y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết hơn 34.000 người đã thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Con số này bao gồm các chiến binh Hamas nhưng không thể kiểm chứng độc lập.
Phúc trình nói trong cuộc xung đột ở Gaza chưa có dấu hiệu giảm bớt, “bằng chứng về tội ác chiến tranh tiếp tục gia tăng khi chính phủ Israel chế nhạo luật pháp quốc tế ở Gaza. Sau các cuộc tấn công kinh hoàng của Hamas và các nhóm vũ trang khác vào ngày 7/10/2023, chính quyền Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích không ngừng vào các khu vực dân cư đông dân, thường khiến nhiều gia đình thiệt mạng, buộc gần 1,9 triệu người Palestine phải di tản và hạn chế tiếp cận viện trợ nhân đạo đang rất cần thiết bất chấp nạn đói ngày càng gia tăng ở Gaza.”
Bà Callamard của Ân xá Quốc tế cho biết cuộc xung đột ở Gaza đã chứng kiến “số lượng lớn nhất các nhà báo bị giết và số lượng lớn nhất các nhà hoạt động nhân đạo bị giết”.
Israel phủ nhận mạnh mẽ việc vi phạm Công ước Geneva hoặc nhắm mục tiêu vào dân thường, những người mà họ cho rằng bị Hamas sử dụng làm lá chắn sống. Israel cũng phủ nhận việc chặn hàng cứu trợ vào Gaza bất chấp nhiều cáo buộc như vậy từ các nhóm viện trợ.
Liên Hiệp Quốc tê liệt
Phúc trình của Ân xá Quốc tế cho biết các đồng minh phương Tây của Israel đã không thể ngăn chặn đổ máu, với lý do “Mỹ sử dụng quyền phủ quyết trắng trợn của mình để làm tê liệt Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong nhiều tháng về một nghị quyết rất cần thiết cho lệnh ngừng bắn, khi nước này tiếp tục trang bị cho Israel những loại đạn dược đã được sử dụng để phạm những tội ác chiến tranh.”
Mỹ nhiều lần bênh vực sự ủng hộ của mình đối với Israel, khẳng định đồng minh của họ có quyền tự vệ sau vụ tấn công khủng bố hôm 7/10/2023 của Hamas khiến hơn 1.100 người thiệt mạng, cùng hàng chục con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.
Nga xâm lược Ukraine
Phúc trình cũng nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền và vi phạm pháp luật tràn lan của Nga trong cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine, bao gồm “các cuộc tấn công bừa bãi vào các khu dân cư đông đúc, cũng như cơ sở hạ tầng xuất khẩu năng lượng và ngũ cốc; và việc sử dụng tra tấn hoặc đối xử tệ bạc đối với tù nhân chiến tranh.” Moscow phủ nhận những cáo buộc như vậy.
Trật tự toàn cầu được xây dựng sau Thế chiến thứ hai đang bị phá vỡ, bà Callamard của Ân xá Quốc tế cảnh báo. “Chúng ta đang chứng kiến một trật tự dựa trên luật lệ đang trên bờ vực sụp đổ bởi vì các kiến trúc sư của hệ thống năm 1948, những kiến trúc sư của hệ thống đó đang làm thất bại nó và đang làm thất vọng người dân.”
Tổ chức Ân xá nêu bật cuộc xung đột dân sự ngày càng tồi tệ ở Sudan, nơi tổ chức này cho rằng đã gây ra cuộc khủng hoảng di tản lớn nhất thế giới, với hơn 8 triệu người buộc phải chạy trốn. Phúc trình cũng nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ chính quyền quân sự Myanmar, trong cuộc chiến chống các nhóm thiểu số và đàn áp các quyền cơ bản của con người.
Công nghệ lớn và AI
Tổ chức Ân xá cũng cảnh báo về sự phối hợp đáng lo ngại giữa vi phạm nhân quyền và công nghệ, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo hay AI.
Phúc trình cho biết: “Trong một thế giới ngày càng bấp bênh, việc phổ biến và triển khai không kiểm soát các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, nhận dạng khuôn mặt và phần mềm gián điệp đang sẵn sàng trở thành kẻ thù nguy hiểm – mở rộng quy mô và tăng cường vi phạm luật pháp quốc tế và nhân quyền đến mức đặc biệt”.
Tổ chức Ân xá cho biết các công nghệ này gây ra rủi ro đáng kể khi có rất nhiều người trên toàn cầu bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử vào năm 2024.