Ân xá Quốc tế lại tố Việt Nam tiếp tay cho Myanmar nhập nhiên liệu bị cấm

Một cuộc không kích của quân đội Mynamar ở Mung Lai Hkyet, Laiza, Myanmar.

Tổ chức Ân xá Quốc tế lại tố cáo Việt Nam tiếp tay cho chính quyền quân quản Myanmar nhập khẩu nhiên liệu máy bay để thực hiện các cuộc không kích ở quốc gia này bất chấp lệnh trừng phạt của phương tây.

Trong một báo cáo mới được công bố vào ngày 8/7, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh cho biết rằng họ phát hiện các bằng chứng chứng tỏ chính quyền quân sự ở Myanmar đã nhập khẩu lậu nhiên liệu dùng cho máy bay chiến đấu thông qua sự liên kết của một công ty ở Việt Nam với hãng tàu biển Trung Quốc.

Hồi đầu năm nay, cũng Tổ chức Ân xá Quốc tế đã vạch trần các mánh khóe lẩn tránh mới của quân đội Myanmar trong việc nhập khẩu nhiên liệu hàng không trong suốt năm 2023, sau các lệnh trừng phạt áp đặt đối với các pháp nhân trong chuỗi cung ứng của nước này.

“Mô hình đó tiếp tục với ít nhất hai và có thể là ba chuyến hàng nhiên liệu hàng không đã đưa thêm vào nước này từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. Giống như các lô hàng trước đó bị Tổ chức Ân xá Quốc tế phát hiện vào tháng 1, nhiên liệu đã được mua bán nhiều lần trước khi đến chặng cuối là nhập vào Việt Nam rồi chuyển đến Myanmar”, báo cáo viết.

Ân xá Quốc tế dẫn dữ liệu theo dõi và thương mại tàu thuyền cho thấy tàu chở dầu HUITONG78 của Trung Quốc đã vận chuyển hai lô hàng nhiên liệu máy bay đến kho cảng Puma Energy trước đây tại Thilawa, cảng Yangon, vào ngày 14/1 và 29/2 và cũng con tàu này lấy nhiên liệu tại Kho xăng dầu Cái Mép Việt Nam do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Linh (TNHH Hải Linh) điều hành trước khi khởi hành đi Myanmar.

“Trong hai trường hợp, tàu chở dầu HUITONG78 của Trung Quốc vận chuyển nhiên liệu từ Việt Nam sang Myanmar”, báo cáo viết.

Ngoài ra, Ân xá Quốc tế cũng cho rằng các công ty khác dường như cũng đóng một vai trò trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả công ty kinh doanh nhiên liệu có trụ sở tại Singapore Sahara Energy International Pte. Ltd.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và công ty TNHH Hải Linh, đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo mới này của Ân xá Quốc tế, nhưng chưa được phản hồi.

“Không thể chấp nhận được việc Việt Nam tiếp tục đồng lõa trong việc cung cấp nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân quản bất hợp pháp của Myanmar”, bà Yadanar Maung, người phát ngôn của tổ chức phi chính phủ Justice for Myanmar, nêu nhận định với VOA qua email. “Chính quyền Myanmar cần nhiên liệu máy bay để tiếp tục chiến dịch khủng bố trên không, trong đó tàn sát dân thường mà không bị trừng phạt, gây ra những cuộc di tản hàng loạt và lan rộng”.

Bà Maung kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng tiếp tay cho chính quyền Myanmar và nên thực hiện nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình bằng cách chặn tất cả các nguồn ngân quỹ, vũ khí và nhiên liệu máy bay cho chính quyền Myanmar.

Ngoài ra, bà còn kêu gọi Hoa Kỳ nên khẩn trương áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Công ty TNHH Hải Linh của Việt Nam.

Như VOA đã đưa tin, Ân xá Quốc tế hồi tháng 1/2024 phát hiện rằng trong năm 2023 có đến 7 chuyến hàng nạp nhiên liệu hàng không tại một kho chứa nhỏ có tên là Cảng xăng dầu Cái Mép gần thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, do Công ty TNHH Hải Linh điều hành.

Khi ấy, bà Montse Ferrer, Phó Giám đốc Khu vực Nghiên cứu của Ân xá Quốc tế đưa ra ý kiến: “Vai trò của Việt Nam ở đây đặc biệt có vấn đề. Cảng Cái Mép đóng vai trò thiết yếu để chuỗi cung ứng mới này hoạt động – và vì vậy chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ phải đảm bảo các cảng của mình không bị sử dụng cho các hoạt động liên quan đến vi phạm nhân quyền”.

Năm 2023, Anh, Mỹ, EU và các nước khác áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chính quyền quân quản Myanmar sau cuộc đảo chính năm 2021 khiến đất nước này rơi vào hỗn loạn, với phong trào kháng chiến chống quân đội bùng nổ trên nhiều mặt trận sau các cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội vào các đối thủ.

Hồi tháng 8/2023, Hoa Kỳ tiếp tục thông qua vòng trừng phạt mới nhất đối với nhiên liệu máy bay nhập vào Myanmar.