Ân xá Quốc tế: Ký giả Pakistan đối mặt với rủi ro 'đáng báo động'

Các nhà báo Pakistan hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình lên án vụ tấn công nhắm vào phóng viên truyền hình Hamid Mir bên ngoài câu lạc bộ báo chí ở Karachi, ngày 20/4/2014.

Hội Ân xá Quốc tế đã ghi nhận điều mà họ gọi là những vụ bạo động và đe dọa đáng báo động mà nhân viên truyền thông ở Pakistan đang phải đối mặt. Các nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền này nói rằng các nhà báo Pakistan đang đối mặt với những mối đe dọa phát xuất từ cơ quan tình báo, các phe phái chính trị và những nhóm hiếu chiến như Taliban. Từ Islamabad, thông tín viên Ayaz Gul của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Trong bản phúc trình công bố hôm thứ tư, Hội Ân xá Quốc tế ở London đã chỉ trích giới hữu trách Pakistan vì điều mà họ gọi là “hầu như hoàn toàn” không ngăn chận những hành vi ngược đãi nhắm các ký giả và không đưa thủ phạm ra trước ánh sáng công lý.

Hội Ân xá Quốc tế cho biết từ khi chế độ dân chủ được khôi phục ở Pakistan cách nay 6 năm, 34 nhà báo đã bị giết hại trong những vụ tấn công, nhưng chỉ có những thủ phạm của một vụ tấn công bị truy tố. Họ nói thêm rằng nhiều nhà báo khác đã bị hăm dọa, sách nhiễu, bắt cóc, tra tấn hoặc thoát chết trong những vụ mưu sát.

Ông David Griffiths, phó Giám đốc bộ phận Á châu Thái bình dương của Hội Ân xá Quốc tế, nói rằng hầu như tất cả những bài tường thuật có tính chất nhạy cảm đều làm cho nhà báo Pakistan gặp rủi ro bạo động từ phía này hoặc phía khác.

"Ký giả ở Pakistan bị mắc kẹt giữa hai lằn đạn và bản phúc trình cho thấy thủ phạm của những tội ác chống lại nhà báo, những tội ác đang xảy ra với một qui mô đáng báo động, có thể là những người trong chính quyền hoặc ngoài chính quyền. Do đó có một cảm giác thật sự là giới nhà báo đang bị vây hãm ở Pakistan."

Một số ký giả được Hội Ân xá Quốc tế phỏng vấn đã than phiền về những sự sách nhiễu hoặc tấn công mà họ nói là có liên hệ với ISI, là Cơ quan Tình báo Liên quân Pakistan mà nhiều người sợ hãi. Bản phúc trình cho biết ISI “bị cho là thủ phạm của nhiều vụ bắt cóc, tra tấn và giết hại các nhà báo, nhưng không một viên chức tại chức nào của cơ quan này bị truy tố trước pháp luật” – và trên thực tế, cơ quan này có thể hoạt động mà không bị luật pháp kiểm soát.

Ông Griffiths cho biết chính phủ ở Islamabad đã hứa cải thiện tình hình nguy ngập của các nhà báo nhưng không tiến hành các biện pháp cụ thể.

"Có một việc vô cùng cần thiết là Pakistan phải điều tra quân đội và các cơ quan tình báo của mình và phải bảo đảm là những kẻ xâm hại nhân quyền của các nhà báo bị đưa ra trước ánh sáng công lý. Điều này sẽ đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ để những người tấn công nhà báo hiểu rõ là họ không còn có thể tự tung tự tác. Nếu không có những biện pháp khẩn cấp này, truyền thông Pakistan có thể phải im tiếng vì bị đe dọa."

Vụ bạo động mới nhất nhắm vào nhà báo đã xảy ra tại thành phố cảng Karachi ở miền nam vào ngày 19 tháng tư, khi ông Hamid Mir, một ký giả nổi tiếng chuyên điều khiển chương trình bình luận chính trị trên đài truyền hình Geo TV, bị bắn và bị thương khi đang trên đường tới sở làm. Ông Mir tố cáo người đứng đầu ISI là kẻ chủ mưu vụ tấn công và kênh truyền hình tư nhân này đã cho chiếu trong nhiều giờ đồng hồ những lời tố cáo của ông Mir.

Quân đội Pakistan đã chính thức phủ nhận tố cáo đó. Họ cũng yêu cầu chính phủ thu hồi giấy phép của hệ thống truyền hình lớn nhất nước. Nếu yêu cầu đó được chấp thuận, đài truyền hình Geo sẽ bị đóng cửa. Vụ tranh cãi này cũng làm cho mấy mươi đài truyền hình tư nhân khác phát động một chiến dịch đả kích mạnh mẽ nhắm vào đài truyền hình Geo. Họ cho rằng đài này đã qui lỗi cho ISI trước khi nhà chức trách kết thúc cuộc điều tra.

Ông I.A. Rehman, thuộc Ủy hội Nhân quyền Pakistan, là một nhà tranh đấu nhân quyền kỳ cựu. Ông tán đồng những nhận định được nêu ra trong bản phúc trình của Hội Ân xá Quốc tế. Ông cũng chỉ trích trận chiến truyền thông gây nhiều chia rẽ liên quan tới vụ ký giả Hamid Mir bị bắn.

"Chúng tôi hết sức quan tâm và chúng tôi cảm thấy các nhà báo đang gặp nguy hiểm ở Pakistan và chúng tôi cũng cảm thấy các nhà báo không nhận được sự bảo vệ của chính phủ. Chúng tôi cũng hết sức lo lắng vì những dấu hiệu mất đoàn kết trong hàng ngũ của những người hoạt động trong ngành truyền thông."

Bản phúc trình của Hội Ân xá Quốc tế cho biết ký giả ở Pakistan cũng là nạn nhân của những tổ chức và phe phái không thuộc nhà nước. Tổ chức nhân quyền này nói rằng sự cạnh tranh kịch liệt khiến cho những phe nhóm chính trị có nhiều ảnh hưởng gây ra những sức ép rất mạnh lên các ký giả để họ viết bài tường thuật có lợi cho phe nhóm của mình. Tại thủ đô thương mại Karachi, những người ủng hộ Đảng MQM và một số nhóm thuộc phe Hồi giáo bị tố cáo là đã sách nhiễu hoặc giết hại các nhà báo mà họ cho là chỉ trích họ.

Hội Ân xá Quốc tế cho biết trong các khu vực có nhiều biến động ở vùng tây bắc và trong tỉnh Baluchistan ở miền tây nam, phe Taliban, nhóm hiếu chiến Lashkar-e-Jhangvi và các nhóm vũ trang của người sắc tộc Baluch đã công khai đe dọa giết hại các nhà báo để trả đũa cho việc những người này tìm cách tường thuật về những hành vi sai trái của họ hoặc không chịu cổ súy cho những chủ trương chính trị của họ.