Tấm ảnh một nữ du sinh Việt Nam quỳ chụp ảnh với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông đang ở Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hôm 15/2 đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng xã hội về những chuẩn mực đúng – sai về trong cư xử, ngoại giao.
Trong đoạn giới thiệu về tấm ảnh đăng trên mạng Facebook, Báo Du Học hôm 15/2 viết:
“Nguyễn Ngọc Mỹ Anh là con gái cả của Bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy Ninh Bình) là du học sinh ở Mỹ, vừa có cơ hội đi ăn tối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại California, đây là niềm vinh hạnh lớn để một du học sinh Việt Nam tại Mỹ học tốt hơn!”
Tấm ảnh ngay sau đó đã nhận được những lời bình luận trái chiều về việc quỳ gối chụp ảnh của nữ du học sinh. Một số bạn trẻ cho rằng thấy ‘không ổn’ khi thủ tướng ngồi trên ghế, còn bạn nữ du sinh lại quỳ gối.
Nhà báo Trương Duy Nhất, qua trang mạng cá nhân, nhận xét về tấm ảnh: “Một bức hình tệ hại cho cả hai phía- cô nữ sinh, lẫn ông Thủ tướng.
Một sinh viên có lòng tự trọng, không lết gối quỳ ôm ông Dũng vậy.
Ngược lại, nó cũng cho thấy tầm văn hoá và mức liêm sỉ của một chính khách hàng nguyên thủ ở mức nào, khi thản nhiên ngửa bụng thẳng lưng trên ghế, để một nữ sinh quỳ gối ôm mình chụp ảnh như vậy”.
Phản pháo lại những ý kiến phản đối, một cư dân mạng có tên Thanh Niên Đa Cấp viết: “Cứ quỳ xuống là nhục hả bạn. Người ta quỳ xuống đôi khi vì kính trọng người trên, những con người đáng kính trọng như ông bà bố mẹ mình vậy huống hồ chi ông ấy đáng tuổi cha tuổi chú mình và còn là nguyên thủ quốc gia…”
Nói với VOA từ Việt Nam, nhà giáo Hà Văn Thịnh cho rằng tư thế quỳ là “không thể chấp nhận được” dù trong điều kiện nào.
“Tư thế quỳ thì chả ai chấp nhận được, kiểu gì cũng vậy thôi, lễ phép ở đây chỉ là biện minh, bào chữa cho vui thôi, còn trên thực tế thì hành động đó là khó chấp nhận được”.
Cũng có không ít những ý kiến góp ý, một trong số đó là của một bạn có tên Tùng Lâm, cho rằng: “Nếu ông thủ tướng đứng lên cùng chụp ảnh với em gái con ông Thụy (một đại gia đất Nb) có lẽ bức hình sẽ đẹp hơn rất nhiều về mọi mặt…”
Hiện chưa thể kiểm tra tính chất xác thực của tấm ảnh, nhưng ảnh gốc đã bị gỡ xuống khỏi mạng xã hội.
Your browser doesn’t support HTML5