Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra liên cơ quan về những điều được Hồ sơ Panama đưa ra, trong đó có tên của hơn 500 người Ấn Độ -- từ các ngôi sao của Bollywood cho đến những nhà công nghiệp lớn và một ông vua bất động sản. Thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA tường thuật từ New Dehli.
Bộ trưởng Tài chánh Arun Jaitley hôm nay nói rằng những báo cáo như vậy là “một diễn tiến lành mạnh” và ông hứa sẽ hành động một cách nhanh chóng.
“Bất cứ tài khoản nào bị phát giác là bất hợp pháp, hành động nghiêm khắc sẽ được thực hiện theo luật lệ hiện hành để đối phó với những người này.”
Một trong những lời hứa chính của Thủ tướng Modi trong cuộc vận động tranh cử là sẽ truy lùng những người trốn thuế và mang về hàng tỉ đô la tiền bất hợp pháp được gởi tại những nơi an toàn không bị đóng thuế.
Báo Indian Express là một trong những tổ chức truyền thông có dính líu đến một cuộc điều tra kéo dài 8 tháng căn cứ trên việc tiết lộ hơn 11 triệu tài liệu của tổ hợp luật Mossack Fonseca, Panama.
Những người Ấn Độ giàu có và nổi tiếng có liên hệ đến những tổ hợp tài chánh ở nước ngoài tại Panama gồm có siêu sao Bollywood Amitabh Bachchan, nữ tài tử kiêm người mẫu Aishwarya Rai Bachchan, nhà quảng cáo cho công ty bất động sản lớn nhất Ấn Độ K.P. Singh, và Vinod Adani, anh của nhà công nghiệp Gautam Adani.
Một số người có tên trong danh sách của báo India Express nói các tài khoản ở nước ngoài của họ là hợp pháp.
Nhật báo này cũng tìm thấy dấu vết của việc một công ty Ý trả lại tiền trong những vụ mua bán vật dụng quốc phòng của Ấn Độ qua những công ty ở nước ngoài.
Các chuyên gia tài chánh Ấn Độ gọi việc này là “phần nổi của tảng băng” và cho biết nhiều người tin rằng nạn trốn thuế ở Ấn Độ rất nghiêm trọng và hầu hết những món tiền gọi là “tiền đen” được gởi tại những nơi an toàn ở hải ngoại.
Một phúc trình của cơ quan nghiên cứu Hội nhập Tài chánh Toàn cầu có trụ sở tại Washington ước lượng là Ấn Độ thất thoát 344 tỉ đô la trong các quỹ bất hợp pháp trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2011.
Ông Arun Kumar, cựu giáo sư kinh tế của Đại học Jawaharlal Nehru và là tác giả của cuốn sách “Kinh tế đen tại Ấn Độ”, cho biết tổng số tiền bị thất thoát của Ấn Độ kể từ khi giành được độc lập cho đến nay có thể lớn hơn rất nhiều. Giáo sư Kumar nói:
“Theo ước lượng mới đây của chúng tôi thì Ấn Độ đã thất thoát khoảng 2 ngàn tỉ đô la tiền vốn từ năm 1948 đến năm 2012. Số tiền này gồm có tiền lời của những khoản tiền được đưa ra nước ngoài. Do đó chúng ta nói đến một số tiền khổng lồ bị thất thoát của một quốc gia rất nghèo và thiếu vốn.”
Nêu ra việc chính phủ có những tiến bộ chậm chạp trong lời hứa truy lùng “tiền đen”, các chuyên gia nói chính phủ cần phải gấp rút tìm ra những người nào đã tạo ra tiền đen tại Ấn Độ, vì rất khó mà khám phá một khi những khoản tiền này được chuyển ra nước ngoài.
Ông Kumar cho biết Ấn Độ có nhiều luật lệ để chống trốn thuế, nhưng việc thi hành rất yếu kém.
“Tại Ấn Độ rất dễ để tạo ra những thu nhập đen, vì hệ thống rất yếu kém, việc quản trị cũng rất yếu, và hầu hết các cấp thẩm quyền với số lượng đông đảo ban hành những qui định tại Ấn Độ, đều tham nhũng và các chính trị gia cũng tham nhũng.”
Tiếp theo lời hứa trong cuộc bầu cử là sẽ trấn áp những kẻ trốn thuế, Thủ tướng Modi đã ban hành luật “tiền đen”, trong đó có qui định những sự trừng phạt nghiêm khắc, kể cả án tù, cho những người trốn thuế không kê khai lợi tức ở nước ngoài.
Năm ngoái Thủ tướng Modi cũng gia nhập một thỏa thuận của các nhà lãnh đạo Khối G20 về việc tự động trao đổi tin tức về thuế trên căn bản hỗ tương vào cuối năm 2018. Chính phủ Ấn Độ đã ký một thỏa thuận chia sẻ thông tin về thuế với Hoa Kỳ để chống lại nạn trốn thuế qua các công ty vỏ bọc ở nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chánh Jaitley hôm nay tái khẳng định cam kết của chính phủ về việc theo dõi những tài sản không khai báo tại Ấn Độ và tại nước ngoài. Ông nói “Thế giới càng ngày càng minh bạch. Các nước đang hợp tác với nhau.”