Ấn Độ phóng phi thuyền thăm dò sao Hỏa

Ấn Độ phóng phi thuyền thăm dò lên sao Hỏa từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, ngày 5/11/2013.

Ấn Độ phóng phi thuyền thăm dò lên sao Hỏa từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, ngày 5/11/2013.

Ấn Độ đã phóng một phi thuyền thăm dò đến sao Hỏa để trở thành một số ít nước có phi thuyền đến được Hành tinh Đỏ.

Chương trình Nghiên cứu Không gian của Ấn Độ cho biết phi thuyền không người lái đã vào quỹ đạo trái đất 44 phút sau khi được phóng lên từ đảo Sriharikota vùng đông nam nước này, bắt đầu hành trình 300 ngày đến sao Hỏa.

Phi thuyền này sẽ thu thập dữ liệu giúp cho biết hệ thống thời tiết vận hành trên sao Hỏa như thế nào.

Phi thuyền cũng sẽ điều tra việc gì xảy ra đối với nước được biết đã tồn tại trên hành tinh này, và cũng sẽ tìm khí metan, một chất khí căn bản cho đời sống trên trái đất.

Chỉ có Hoa Kỳ, Nga và Liên Minh Châu Âu là thành công trong việc đi đến hành tinh láng giềng của trái đất.

Hơn một nửa những nỗ lực của thế giới gởi phi thuyền thám hiểm bay vòng quanh sao Hỏa đã thất bại trong đó có những nỗ lực của Nhật Bản và Trung Quốc.

Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất thành công phóng phi thuyền thăm dò đổ bộ lên sao Hỏa, phi thuyền gần đây nhất là Curiosity.

Cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA cho biết sẽ giúp theo dõi phi thuyền của Ấn Độ từ 3 cơ sở trong không gian của NASA.

NASA cũng sẽ gởi phi thuyền thăm dò có tên Maven đến Sao Hỏa vào cuối tháng này.

NSA nói một số dữ liệu Maven thu thập sẽ bổ túc cho sự nghiên cứu của phi thuyền Ấn Độ.

Nếu thành công Ấn Độ sẽ là nước phóng phi thuyền ít tốn kém nhất lên sao Hỏa. Tổng cộng chi phí của chuyến bay là 73 triệu đô la, ít hơn 1 phần 6 chi phí của một chuyến bay của Hoa Kỳ được phóng lên 13 ngày sau đó.

Ấn Độ bị chỉ trích vì cấp quỹ cho chương trình không gian trong khi nhiều người dân sống trong những điều kiện nghèo khổ. Nhưng New Delhi nói chương trình không gian giúp kiến tạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh nền kinh tế nước này trong dài hạn.