Ấn Độ phản đối tàu Hải quân Mỹ đi ngang qua vùng đặc quyền kinh tế

TƯ LIỆU: Tàu khu trục phi đạn điều hướng USS John Paul Jones (DDG 53) đi qua Vịnh Ả-rập, ngày 27 tháng 10, 2020. (U.S. Navy)

Ấn Độ lên tiếng phản đối Mỹ về việc một tàu hải quân đi ngang qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà không có sự đồng ý của nước này, bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết ngày thứ Sáu, trong một tranh cãi hiếm hoi giữa hải quân hữu nghị của hai nước.

Tàu USS John Paul Jones “đã khẳng định các quyền và quyền tự do hàng hải” bên trong EEZ của Ấn Độ phù hợp với luật pháp quốc tế bằng việc di chuyển cách quần đảo Lakshadweep của Ấn Độ khoảng 130 hải lý (241 km) về hướng tây, Hạm đội Bảy của Mỹ nói trong một phát biểu ngày thứ Tư.

Nhưng một phát ngôn viên bộ ngoại giao Ấn Độ nói trong một phát biểu rằng các quy tắc của Liên Hiệp Quốc không cho phép di chuyển như vậy mà không có sự đồng ý.

“Quan điểm nêu rõ của Chính phủ Ấn Độ đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là Công ước không cho phép các Quốc gia khác thực hiện trong Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa các cuộc thao dượt hoặc diễn tập quân sự, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc sử dụng vũ khí hoặc chất nổ mà không có sự đồng ý của quốc gia ven biển,” người phát ngôn nói.

Quân đội Ấn Độ đã theo dõi chuyển động của tàu John Paul Jones khi nó di chuyển từ Vịnh Ba Tư đến Eo biển Malacca, bộ ngoại giao nói.

Hải quân Mỹ trước đây đã tiến hành những hoạt động gọi là di chuyển tự do hàng hải qua vùng biển của Ấn Độ mà không có sự đồng ý, với lần cuối cùng trong năm tài chính 2019, theo báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ Arun Prakash đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại thông báo hoạt động trên vùng biển của một nước dường như là đồng minh.

“Hạm đội Bảy thực hiện các sứ mệnh tự do hàng hải trong EEZ của Ấn Độ vi phạm luật nội địa của chúng tôi đã là sai rồi. Sao lại còn công khai hành động đó?” ông viết trên Twitter ngày thứ Sáu.

Hải quân của Ấn Độ và Mỹ thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn mỗi năm với sự tham gia của Nhật Bản và Úc. Bốn quốc gia này đã thành lập một liên minh an ninh không chính thức được gọi là Bộ Tứ nhằm kháng cự sức mạnh đang bành trướng của Trung Quốc.