Ấn Độ du ký: Kỳ Viên Tịnh Xá

Hình: Tước Nguyễn

Tước Nguyễn


Tôi vẫn thích gọi Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavana) là vườn ông triệu phú Cấp Cô Độc. Theo sử Phật giáo thì khi ông ngõ lời muốn mua khu vườn của thái tử Kỳ Đà (Jetakumara) để xây nơi ở cho đức Phật và tăng đoàn thì vị thái tử này cười và phán “nếu mang vàng lót kín mặt đất thì sẽ bán”. Ai ngờ Cấp Cô Độc làm thiệt, cho gia nhân đem vàng phủ kín khu vườn.
Cấp Cô Độc là một đệ tử tại gia của đức Thích Ca Mâu Ni. Kinh Phật chép rằng ông là một trưởng lão giàu có, người nước Kosala phía đông bắc Ấn Độ cổ. Tên của ông là Tu Đạt Đa, do ông thường xuyên cung cấp thức ăn cho người nghèo và vô gia cư nên người đời gọi ông là Cấp Cô Độc. Cấp Cô Độc được biết đến là đệ tử hào phóng nhất của Đức Phật.
Ngày nay, đến tận nơi nhìn khu vườn mênh mông, thiệt tình du khách khó tin, không biết ông Cấp Cô Độc lấy vàng ở đâu mà phủ kín được. Nhưng thôi, hãy để truyền thuyết cứ mãi là truyền thuyết.
So với bốn thánh tích quan trọng nhất của Phật giáo (nơi Phật ra đời, thành đạo, giảng đạo lần đầu và nhập diệt) thì tôi thích khu vườn này nhất vì sự yên tịnh, trong khi các nơi khác, như Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo, ồn không chịu được, nhất là khi các sư đọc kinh qua microphone.
Vườn ông Cấp Cô Độc là nơi Đức Phật lưu trú vào mùa mưa lâu nhất (từ 19 đến 25 năm). Tôi đến đây vào xế chiều, khu vườn buồn buồn với những phế tích bằng đá còn sót lại đánh dấu những nơi Đức Phật và tăng đoàn từng cư ngụ. Có thấy cây bồ đề tương truyền do ngài A Nan (đại đệ tử và cũng là anh em bà con với Đức Phật) trồng. Không biết thực hư ra sao. Tôi ghé đến nơi đây, ngồi chơi với các sư Tích Lan đến tối, chụp vài tấm hình rồi chia tay.
Nghĩ lại, điều quan trọng là những gì trong kinh hay sử nói là có thật (từ nhân thân Đức Phật cho đến những nơi Ngài từng sống), còn các chi tiết nho nhỏ thì bỏ qua, vì đôi khi con người có nhu cầu thần thánh hóa sự việc.
Trong các hình dưới đây, hình số 6 là cây Bồ Đề tương truyền do ngài Anan trồng. Hình số 8 là Ngôi Tháp, đánh dấu nơi Đức Phật từng cư trú.

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn