Năm 2010 kết thúc bằng sự nổi dậy của quần chúng tại Tunisia lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm của nước này. Sang năm mới, những cuộc biểu tình tương tự của quần chúng khiến Tổng thống chuyên quyền Ai Cập Hosni Mubarak phải từ chức.
Ân xá Quốc tế, AI, nói trong phúc trình hằng năm rằng tự do bày tỏ ý kiến là một công cụ đầy sức mạnh để thay đổi.
Chuyên viên về Trung Đông của Ân xá Quốc tế Philip Luther nói những biến cố tại Ai Cập và Tunisia chứng tỏ sức mạnh của quần chúng bất kể thành phần.
Ông Luther nói: “Người dân đổ ra đường phố gồm đủ mọi thành phần rộng rãi khác nhau. Họ bao gồm cả những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội. Họ bao gồm cả phụ nữ và là những người có những niềm tin chính trị khác biệt.”
Bà Tawanda Hondora của Ân xá Quốc tế cho biết một số các quốc gia thuộc vùng dưới sa mạc Sahara của châu Phi cũng xảy ra những diễn biến như vậy.
Bà nói: “Chẳng hạn như chúng tôi thấy tình hình tại Uganda nơi phe đối lập nỗ lực biểu tình và tổ chức những cuộc nổi dậy tương tự như những gì xảy ra tại Bắc Phi. Chúng tôi cũng thấy tình hình tương tự xảy ra tại những quốc gia như Swaziland nơi có những cuộc biểu tình, Zimbabwe cũng vậy, nhưng bị đàn áp tàn bạo giống như ở Uganda.”
Bà Hondora nói những quyền dân sự và chính trị đang bị đe dọa.
Tại Côte d'Ivoire, bạo động sau cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi vào tháng 11 năm ngoái làm hàng trăm người chết và khoảng một triệu người phải sơ tán.
Bạo động phát khởi từ việc cựu Tổng thống Laurent Gbagbo từ chối nhượng quyền cho Tổng thống đắc cử Alassane Ouattara.
Tại những nơi khác ở châu Phi, một tổ chức dân quyền Nigeria cho biết có ít nhất 500 người chết trong những vụ bạo động bầu cử vào tháng qua giữa những người Hồi Giáo và những người theo Thiên Chúa Giáo.
Bà Hondora nói là các chính trị gia không làm đủ để kềm giữ những người ủng hộ.
Bà nói: ”Vấn đề chính tại khu vực phía nam Sa mạc Sahara là nhiều chính phủ đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình của công dân. Đây là một vi phạm hiến pháp, và cũng là một vi phạm Hiến Chương Châu Phi về Nhân Quyền và Dân Quyền, trong đó nhân dân có quyền biểu tình, có quyền bày tỏ quan điểm của mình.”
Hội Ân Xá Quốc Tế nói rằng năm 2010 không phải chỉ có những tin xấu.
Tổ chức này nói rằng nhà chức trách tại Ghana, Nigeria, và Kenya đã đình chỉ các vụ trục xuất sau khi công chúng bày tỏ sự phẫn nộ. Và tại Châu Âu, Hội Ân Xá Quốc Tế nêu lên những tiến bộ trong việc đưa ra xét xử trước công lý những kẻ chịu trách nhiệm về các tội ác tại Nam Tư cũ trong thập niên 1990.
Hội Ân Xá Quốc Tế cũng nêu lên việc phóng thích bà Aung San Suu Kyi tại Miến Điện. Nhân vật được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình này đã bị giam giữ tại nhà tổng cộng 15 năm trong vòng 21 năm qua.
Nhưng Hội Ân Xá Quốc Tế cũng nói rằng, hằng ngàn tù nhân chính trị khác vẫn còn bị giam giữ tại đó.
Ông Luther nói rằng quyền tự do phát biểu là quan trọng nhất để giải quyết các bất công.
Ông nhận định: “Không có dấu hiệu rõ ràng nào về tính cách quan trọng của quyền tự do phát biểu hơn là những biến cố tại các vùng Trung Đông và Bắc Phi nơi dân chúng đã nổi dậy vào cuối năm 2010 và rồi rất nhiều trường hợp sang năm 2011 để đòi hỏi quyền tự do phát biểu, vốn là một quyền căn bản cho phép dân chúng có được những quyền khác bởi vì nó là phương tiện để họ đòi hỏi những quyền đó.”
Ông Luther nói rằng khi quyền tự do ngôn luận được tôn trọng thì dân chúng có thể đem lại những thay đổi xã hội và kinh tế cũng như cuộc cách mạng chính trị.
Phúc trình thường niên của Hội Ân Xá Quốc Tế cho biết có 89 quốc gia trên khắp thế giới áp đặt những hạn chế bất hợp pháp về quyền tự do phát biểu.
Phúc trình cũng nói rằng tra tấn và những hành vi ngược đãi khác đã được sử dụng tại 98 quốc gia trong năm 2010 và tổ chức này đã điều tra về những vụ xét xử bất công tại 54 quốc gia.
Trong phúc trình hàng năm mới nhất Tổ chức Ân xá Quốc tế nói những cuộc nổi dậy mới đây tại Trung Đông và Bắc Phi cho thấy tự do bày tỏ ý kiến là trọng tâm của nhân quyền. Trước khi công bố phúc trình tại London, Đài VOA nói chuyện với ông Philip Luther, phó giám đốc của tổ chức phụ trách về Trung Đông và Bắc Phi và bà Tawanda Hondora, phó giám đốc phụ trách châu Phi.