Các vụ tấn công ở Paris đã buộc các giới chức Nga thừa nhận điều mà nhiều người ở phương Tây đã nghi ngờ từ lâu: Vụ bắn rơi chiếc máy bay Nga của hãng Metrojet trên không bán đảo Sinai làm tất cả 224 người thiệt mạng là một hành động khủng bố.
Trong một cuộc họp được truyền hình tại điện Kremli, người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga, ông Alexander Bortnikov, thông báo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng cuộc điều tra của ông đã xác định rằng máy bay bị phá hoại vì “những dấu vết chất nổ của nước ngoài.”
Tỏ ý kinh ngạc trước sự phát hiện này, ông Putin hứa sẽ đem lại công lý và tuyên bố những kẻ chịu trách nhiệm sẽ bị truy lùng tới cùng dù trốn tránh ở đâu. Nhà lãnh đạo Nga nói, “Chúng tôi sẽ tìm ra bọn chúng ở bất cứ nơi nào trên trái đất và sẽ trừng phạt bọn chúng.”
Lời lẽ cứng rắn của ông Putin nghe rất quen thuộc với người dân Nga đã từng sống với khủng bố từ nhiều năm.
Các vụ đánh bom khu chung cư Nga năm 1999
Ông Boris Vishnevsky, một thành viên của đảng cấp tiến Yabloko ở St. Petersburg, nơi sinh cư của nhiều nạn nhân trong chuyến bay Metrojet, nêu ra rằng ông Putin đã đưa ra nhiều lời hô hào trả thù từ năm 1999.
Sau đó, một loạt những vụ đánh bom bí ẩn ban đêm vào những cao ốc chung cư ở Moscow và các thành phố khác đã gây thiệt mạng và thương tích cho hàng trăm người, làm cả nước kinh hoàng.
Lúc đó, vừa được bổ nhiệm vào chức thủ tướng dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, ông Putin đã quy lỗi cho các chiến binh du kích Chechnya về những vụ tấn công.
Ông Putin đã nói, “Chúng tôi sẽ truy lùng các phần tử khủng bố ở tất cả mọi nơi. Nếu tìm thấy bọn chúng trong nhà vệ sinh, thì xin lỗi, chúng tôi sẽ thẳng tay triệt hạ chúng trong bồn cầu.”
Lời lẽ táo bạo đó đã mở đầu cho sự nghiệp chính trị của ông Putin – và cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhì.
Ông Vishnevsky lập luận rằng lần này, việc ông Putin do dự không muốn gán nhãn cho vụ rớt máy bay Metroject là một hành động khủng bố lại là một vấn đề tiện lợi chính trị - sự do dự của điện Kremli không muốn thú nhận rằng một chiến dịch quân sự được dàn xếp kỹ lưỡng ở Syria đã thất bại, và thường dân Nga phải trả giá.
Ông nói, “Thú nhận ngay đó là hành vi khủng bố sẽ có nghĩa là đem lại cơ sở cho những thắc mắc liệu đây có phải là sự trả thù cho chiến dịch không kích của Nga nhắm vào ISIS ở Syria hay không.”
Các vụ tấn công ở Paris có tác dụng đem lại một cơ hội để quốc tế hóa sự sai lầm đó, theo nhận định của ông Vishnevsky.
Từ Dobrovka đến Bataclan
Trong khi đó, trong những vụ tấn công ở Paris, và nhất là tại hí viện Bataclan – người Nga nhìn thấy âm hưởng của một thảm kịch khác: vụ vây hãm Nord-Ost năm 2002.
Ngày 23 tháng 10 năm đó, chiến binh Chechnya đã xông vào Nhà hát Dubrovka ở Moscow trong một buổi trình diễn vở nhạc kịch Nord-Ost của Nga, bắt hơn 800 người làm con tin.
Bà Tatiana Karpova đã mất người con trai là Alexander trong vụ giải cứu tiếp theo đó, sau khi biệt kích Nga bơm khí aerosol vào rạp hát, giết những kẻ tấn công Chechnya nhưng cũng làm cho 130 khán giả thiệt mạng.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, bà Karpova nói bà rất xúc động trước sự bày tỏ ồ ạt nỗi thương tiếc đối với các nạn nhân Paris ở Moscow – trước cảnh người Nga xếp hàng để đem hoa và nến đến đại sứ quán Pháp. Bà nói, “Thật là tuyệt vời khi nhìn thấy mọi người đến với nhau và chia sẻ nỗi tiếc thương.”
Tuy nhiên, bà Karpova cũng nêu nghi vấn về những lời hứa hẹn của điện Kremli là không bao giờ quên các nạn nhân chuyến bay Metrojet. Trong giờ phút đau buồn, theo bà Karpova, các gia đình nạn nhân vụ Nord-Ost đã gần như bị bỏ rơi.
Bà Karpova nói, “Chúng tôi phải tự mình xoay xở. Chính phủ của chúng tôi không bao giờ nhận trách nhiệm về bất cứ chuyện gì. Trở lại lúc đó, khi chúng tôi yêu cầu giúp đỡ, họ bảo chúng tôi rằng, “Chúng tôi làm gì được? Hãy đi nói chuyện với gia đình của các phần tử khủng bố Chechnya. Chúng tôi sẽ không làm gì cả. Thực là đau lòng.”
Một liên minh toàn cầu chống khủng bố?
Vào những ngày này, điện Kremli có một thông điệp khác: chúng ta là những người đồng hội đồng thuyền.
Tổng thống Putin đã kêu gọi Nga và phương Tây khắc phục các bất đồng về Ukraine và Syria bằng cách tham gia một liên minh lớn để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Riêng Nga đã mở rộng các vụ tấn công vào các mục tiêu ISIS ở Syria và phối hợp với các cuộc hành quân của quân đội Pháp trong vùng.
Sự hợp tác của Nga trước thảm kịch cũng là một điệp khúc quen thuộc.
Sau những vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ cách đây 14 năm, ông Putin đã mau chóng gửi lời chia buồn và lập luận rằng Nga và phương Tây nên khắc phục những bất đồng để chống khủng bố.
Đó là một liên minh chủ yếu chống lại al-Qaida – cho đến khi, mối đe dọa dường như đã không còn nữa.
Tuy nhiên, nhà lập pháp ở St.Petersburg Boris Vishnevsky nói rằng những đề nghị mới của điện Kremli về một liên minh với phương Tây tùy thuộc vào việc liệu Nga có thể dứt bỏ lập luận chống Tây phương đã làm tăng sự ủng hộ dành cho ông Putin trong 2 năm vừa qua hay không.
Ông Vishnevsky nói, “Nếu bạn xem TV Nga, thì không rõ được ai là kẻ thù lớn hơn – nước Mỹ hay Nhà nước Hồi giáo.”
“Tình trạng phân liệt chính trị này không thể tiếp tục mãi mãi.”