Trong những tháng ngày qua, “tài liệu mật” (classified documents) trở thành đề tài nóng hổi tại quốc hội Mỹ, lan rộng trên truyền thông, kể cả truyền thông xã hội, và tạo sự quan tâm theo dõi của người dân. Đó là những vụ tài liệu mật được tìm thấy tại nhà riêng của cựu Tổng thống Donald Trump, đến đương kiêm Tổng thống Joseph Biden, rồi mới đây nhất là cựu Phó Tổng thống Mike Pence. Không biết rồi còn ai khác nữa trong thời gian tới!
Trong thời đại mà “Chiến tranh Lạnh” chưa thật sự chấm dứt, hay đúng hơn là đang quay trở lại, với một Vladimir Putin của Nga và một Tập Cận Bình của Trung Quốc, chưa kể xu hướng phi dân chủ trổi lên khắp nơi, an ninh quốc gia không chỉ trở thành điều kiện tối quan trọng để xây dựng ưu thế đối với đối phương. Nó còn là nhu cầu để bảo vệ an ninh và an toàn cho quốc gia và quốc dân, cũng như sự sống còn của quốc gia và quốc dân đó trên đường dài.
Trump, Biden hay Pence là những người lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ, cho nên những tài liệu đến tay họ hẳn nhiên là quan trọng hàng đầu của quốc gia, thường là tài liệu mật đến tối mật. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi họ bị phanh phui là đã không xử lý nó theo đúng chuẩn mực và quy trình mà luật pháp đề ra. Và tất nhiên khi xảy ra như thế, nó luôn là nhu cầu để cơ quan công quyền điều ra và là cơ hội để bên đối lập công kích.
Có một số điều căn bản về tài liệu mật mà có lẽ cũng cần nên nhắc đến.
Thứ nhất, tính cách phân loại của các tài liệu mật là thế nào? Phân loại thông tin là giải pháp để có thể kiểm soát và giới hạn người tiếp cận. Đối với Hoa Kỳ, có ba cấp phân loại tài liệu căn bản là bảo mật, bí mật và tối mật (confidential, secret and top secret). Bảo mật được định nghĩa là thông tin (thông tin ở đây có thể là giấy tờ, email, hình ảnh, video, bản đồ, số liệu, đĩa cứng v.v…) mà nếu bị tiết lộ có thể gây thiệt hại cho an ninh, quyền lợi quốc gia. Mật là trên một bậc, nên nếu bị tiết lộ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng. Tối mật là thông tin nhạy cảm mà nếu tiết lộ có khả năng gây thiệt hại đặc biệt vô cùng nghiêm trọng. Trong loại tối mật có những phân loại phụ (subclassification) mà cốt yếu để giới hạn ai được tiếp cận những thông tin này, như những vấn đề liên quan đến tình báo hay nguồn tình báo, mà nếu tiết lộ, sự thiệt hại, kể cả tính mạng con người, là kinh khủng.
Thứ hai, người nào có thẩm quyền phân loại? Tại Mỹ, Tổng thống là người có quyết định tối hậu về phân loại (classify) thông tin ở mức độ nào, và giải mật (declassify) thông tin nào và khi nào, bằng Nghị định Hành pháp (Executive Order). Nhưng Tổng thống thường không làm việc này mà là ủy nhiệm cho các bộ trưởng hay những người đứng đầu một số cơ quan chính quyền. Nhưng thường những người đứng đầu cũng không làm việc này mà ủy nhiệm cho những viên chức trách nhiệm trực tiếp đối phó hay tiếp cận thông tin. Ước tính có khoảng vài trăm người như thế trong cơ quan chính quyền Mỹ. Theo thông lệ, những thông tin được phân loại hay giải mật của những chính quyền trước đã làm thì chính quyền đương nhiệm vẫn tôn trọng như thế. Lý do? Nhiều, nhưng chính là vì mức độ quan trọng của vấn đề và tiến trình thực hiện kỹ lưỡng, nên tái phân loại hay giải mật cần có lý do chính đáng và đều qua trách nhiệm giải trình. Trong hệ thống và quy trình hành chánh phức tạp như thế, không mấy ai muốn mình phải bị rắc rối với Tổng thống, hay quốc hội, hay truyền thông, hay sau cùng với công chúng, trừ phi có lý do chính đáng, hay vì thông tin, tài liệu đã qua một thời gian lâu rồi.
Thứ ba, ai đứng trên hay đứng ngoài quy định về tài liệu mật? Không một ai, kể cả Tổng thống. Tổng thống có thể phân loại, tái phân loại hay giải mật tài liệu, nhưng nếu đã tiếp cận tài liệu mật rồi, người tiếp cận nó phải có trách nhiệm dựa theo các quy định và cấp độ thông tin. Những quy định về tài liệu được bảo mật như thế nào, được tiếp cận ở đâu và bằng hình thức nào, tài liệu đó có được di chuyển đi nơi khác không, nếu có thì phải bằng phương tiện nào để bảo đảm không bị tiết lộ, và khi nào phải hoàn trả lại tài liệu vào nơi lưu trữ nó v.v… Trong trường hợp của Trump, Biden và Pence, thì rõ ràng những tài liệu dẫn chứng đều là những tài liệu mà họ có quyền tiếp cận trong vai trò của họ vào lúc đó, nhưng sau khi đã sử dụng nó, hay sau khi đã hoàn tất trách nhiệm của mình, thì phải chuyển giao lại hết cho cơ quan trách nhiệm, chứ không được quyền dời đi, cất giữ hay huỷ bỏ nó.
Những vụ phanh phui tài liệu mật này với Trump, Biden và Pence, có lẽ chỉ là đỉnh của tảng băng. Nếu có nguồn lực và thời gian để mở cuộc điều tra, Bộ Tư pháp của Mỹ chắc không khác gì mở một hộp giòi (a can of worm).
Cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, người thường bắt đầu bài phát biểu bằng những câu chuyện hài hước, đã nhìn thấy được tính nghịch lý trong việc quản lý tài liệu mật. Một lần Reagan đã nói (phút 21:30 đến 22:10 trong video này) như sau:
‘Một trong những câu chuyện yêu thích của tôi về chính phủ liên quan đến một nhân viên ngồi ở bàn làm việc và giấy tờ đến bàn của anh ta. Anh đọc chúng và xác định nơi chúng sẽ đến, rồi ký tên tắt và gửi chúng đi. Và một ngày nọ, một tài liệu được phân loại đến đó, và nó đã đến với anh ta. Vì vậy, anh ấy đã đọc nó, ký tên tắt và gửi nó đi. 24 giờ sau, nó quay lại với anh ta, kèm theo một ghi chú nói rằng “Anh không được xem cái này. Xóa tên viết tắt của anh, và viết tắt tên người xóa.”’
[One of my favorite stories about government had to do with an employee who sat at a desk and papers came to his desk. He read them and determined where they were to go and initialled them and sent them on. And one day a classified document came there but it came to him. So he read it, initialled and sent it on. 24 hours later it came back to him with a note attached that said you weren't supposed to see this. Erase your initials and initialled the eraser.]