Nhiều người Afghanistan theo dõi một cách quan ngại khi Quốc hội Mỹ tranh luận về tương lai trợ giúp quốc tế tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Phúc trình của Quốc hội Mỹ đưa ra ngày thứ Tư về Afghanistan và cuộc điều trần về việc bổ nhiệm đại sứ tại Afghanistan, ông Ryan Crocker, người được đề cử vào chức vụ này, là hai sự kiện được truyền thông Afghanistan đưa lên hàng đầu.
Nhiều người Afghanistan, nhất là tại thủ đô Kabul, lo ngại phương Tây có thể sẽ rời nước này quá nhanh và bỏ rơi họ như Hoa Kỳ đã làm sau khi Liên Xô rút lui vào năm 1989. Một diễn biến cuối cùng đã dẫn đến nội chiến và sự trỗi dậy của Taliban.
Ông Sayid Mohammed Azam là một doanh nhân tại Kabul và cựu viên chức của chính phủ Afghanistan cảnh báo nếu Tây phương rút đi quá nhanh chóng, chuyện này có thể tái diễn.
Ông Azam nói: “Sẽ xảy ra cùng một tình trạng như vậy giống như khi chính phủ thân cộng sản sụp đổ tại Afghanistan, quân đội Sô Viết rút lui và không có một tổ chức hành chánh đủ mạnh để lấp vào chỗ trống và nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn và nội chiến và cuối cùng là sự xuất hiện của Taliban... do đó họ không những chỉ hủy hoại nước tôi nhưng cũng là một mối đe dọa cho an toàn cho cộng đồng thế giới.”
Phúc trình về Afghanistan, được Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ đưa ra cũng cảnh báo về một sự sụp đổ nếu Tây phương rời bỏ nước này quá gấp rút.
Tuy nhiên, phúc trình còn nói rằng có ít thành quả đạt được trong nỗ lực thiết lập một chính phủ vững mạnh và xã hội dân sự tại Afghanistan khiến nước này khó có thể tự đứng vững. Điều này đã xảy ra mặc dù đã tiêu tốn gần 19 tỉ đô la trong 10 năm qua.
Phúc trình nói là chi phí của chính phủ Mỹ thường tràn ngập kinh tế địa phương của Afghanistan và nuôi dưỡng tham nhũng.
Tuy nhiên nhiều người Afghanistan cũng cho rằng không phải chỉ có người Afghanistan bỏ túi những số tiền dự trù dùng để xây dựng quốc gia xa xôi, nghèo khó và bị chiến tranh tàn phá này.
Theo như nhận xét của anh Mohammed Iqbal, một sinh viên tại Kabul thì những người từ nước ngoài đến cũng tham nhũng và chịu trách nhiệm trong việc này.
Anh Iqbal nói: “Tham nhũng có mặt tại mọi nơi ở Afghanistan, gồm chính phủ của chúng tôi và những người nước ngoài đến đây.”
Một số người Afghanistan nói chuyện với Đài VOA cũng chỉ trích là cộng đồng nước ngoài làm quá ít trong việc cung cấp những cơ hội lâu dài cho người dân Afghanistan, mà chỉ chú trọng quá nhiều vào an ninh và chiến đấu.
Đối với doanh nhân Mohammed Azam, sự kiện là Tây phương chú trọng đến những vấn đề này có tính cách tính cực và hy vọng hai bên sẽ cải thiện.
Ông Azam nói: “Tôi nghĩ phúc trình này do Quốc hội soạn thảo rất có ích. Tôi hy vọng sự chú ý này mang đến những thay đổi tích cực. Chúng tôi sẽ có thể làm rất nhiều việc, hữu hiệu hơn, cũng như tốt hơn rất nhiều.”
Một ngày sau bản phúc trình của Quốc hội và những cuộc điều trần và tiếp sau cuộc nói chuyện bằng điện thoại với Tổng thống Barack Obama, chính phủ Afghanistan của Tổng thống Hamid Karzai đã loan báo là sẽ thành lập một Ủy ban để xem xét vấn đề tham nhũng và chi tiêu.
Tổng thống Kazai dự trù sẽ công du 2 ngày tại Pakistan trong nay mai để thảo luận về cuộc hội đàm trong vùng nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp. Có tin là những cuộc hội đàm này sẽ gồm cả việc thảo luận với một vài phần tử của phe Taliban.
Tuy nhiên nhiều cấp chỉ huy quân sự nói những cuộc thảo luận này phải được xúc tiến trên thế mạnh.
Tại một hội nghị tại Brussels hôm thứ Năm, một số bộ trưởng quốc phòng các nước NATO cảnh báo là nếu Hoa Kỳ rút bớt quá nhiều binh sĩ, ngay vào thời điểm đang đạt được một số tiến bộ trên mặt trận thì điều này có thể dẫn đến tai họa cho Afghanistan.
Vào lúc các chính trị gia Mỹ duyệt xét lại chính sách của Hoa Kỳ tại Afghanistan trước cuộc rút quân vào tháng tới, nhiều người Afghanistan tự hỏi về tương lai của những nỗ lực quốc tế tại nước họ.