ADB: Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng còn rủi ro

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất ô tô Ford ở Việt Nam.

Trong lúc kinh tế Á châu đang trước áp lực suy giảm do thương chiến Mỹ-Trung thì Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn một thập niên nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu và nhu cầu trong nước tăng cao, lạm phát thấp trong khi triển vọng trong những năm tới ổn định, theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á vừa được công bố.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam như chậm cải cách khu vực nhà nước, khu vực tư nhân không hội nhập tốt vào chuỗi giá trị toàn cầu để mất miếng bánh vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nguy cơ xuất khẩu sụt giảm một khi các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng chậm lại.

Tăng trưởng nhanh

ADB ghi nhận Việt Nam trong năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 11 năm qua với 7,1% - tiếp tục đà tăng mạnh trong năm 2017 là 6,8%.

Về nguyên nhân tăng trưởng, GDP chỉ ra là ‘xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng ổn định’ và ‘sự vững mạnh của nhu cầu trong nước’.

Do nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu nên nhu cầu mạnh mẽ của các thị trường bên ngoài góp phần quan trong trong tăng trưởng GDP của Việt Nam, theo ADB. Mặc dù tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 14,3% trong năm 2018 (so với 16,7% trong năm 2017), song mức xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu) lại tăng lên 9,2% (do xuất khẩu tăng nhưng nhập khẩu giảm).

Về tiêu dùng của người dân, cấu phần lớn nhất trong GDP, ADB dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết đó là nguyên nhân đóng góp chủ yếu cho tốc độ tăng GDP nhanh như thế trong năm 2018 mặc dù nhu cầu trong nước có sự giảm nhẹ trong năm 2018 xuống 7,2% so với 7,3% năm trước đó.

Nguyên nhân nhu cầu của người dân trong nước tăng mạnh, theo ADB, là thu nhập gia tăng và lạm phát ổn định. Bất chấp tăng trưởng tăng gây áp lực lên lạm phát, lạm phát ở Việt Nam trong năm 2018 vẫn được duy trì ở mức 3,5% - dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 4%. Thu nhập tăng cộng với lạm phát ổn định đã làm tăng sức mua của người dân.

Lạm phát duy trì được như vậy trong bối cảnh các chi phí y tế, giáo dục và di chuyển đều tăng, theo ADB, là do giá dầu thế giới giảm, chính sách tiền tệ chặt chẽ của chính phủ Việt Nam và việc chính phủ hoãn tăng giá điện. Chính phủ Việt Nam trong năm 2018 đã áp đặt giới hạn chặt chẽ hơn đối với tăng trưởng tín dụng và siết chặt tín dụng trong các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản và chứng khoán. Theo đó, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 14% và tăng nguồn cung tiền chỉ ở mức 12% - thấp nhất kể từ năm 2015.

Nhờ vào tăng trưởng kinh tế mà cán cân vãng lai (current account) của Việt Nam tiếp tục có thặng dư trong năm 2018 với mức ước tính là 3% GDP, trong đó được hỗ trợ một phần bởi thặng dư thương mại 7 tỷ đô la.

Cũng theo ADB, kinh tế tăng trưởng mạnh đã giúp Việt Nam duy trì nợ công ở mức 61,4% GDP vào cuối năm 2018, tức là thấp hơn so với đỉnh điểm 63,7% hồi năm 2016 và nằm trong ngưỡng cho phép của Quốc hội là 65%.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới, ADB dự báo mức tăng trưởng ổn định với 6,9% trong năm nay và 6,8% trong năm 2020.

Cơ quan này đánh giá các thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) và Hiệp định thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội mà các thỏa thuận này đem lại.

Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục kéo dài thì Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi trong giao thương và đầu tư, với tăng trưởng GDP thêm khoảng 2% tích lũy trong trung hạn đến dài hạn.

Tiêu dùng cá nhân tiếp tục vững mạnh do thu nhập các hộ gia đình sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh lạm phát sẽ vẫn ổn định. ADB dự báo lạm phát Việt Nam vẫn duy trì ở mức 3,5% trong năm 2019 nhưng sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020.

Các rủi ro chính

Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng chỉ ra một rủi ro lớn là các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản có nguy cơ sụt giảm mạnh tăng trưởng.

Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp nhà nước cải cách chậm chạp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Báo cáo cho rằng tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam trong năm 2018 thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra là ít nhất 85 doanh nghiệp.

Một rủi ro khác đến từ khu vực doanh nghiệp tư nhân, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đóng góp tới gần phân nửa tổng thu nhập nội địa. Theo ADB, mặc dù Việt Nam được lợi khi được mở cửa vào các thị trường lớn trên thế giới, nhưng phần bánh của chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu là do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hưởng trọn còn các doanh nghiệp trong nước vẫn không thể hội nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyên nhân mà ADB chỉ ra là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ không có điều kiện chiếm giữ những công nghệ mới do họ bị hạn chế tiếp cận nguồn tín dụng và thiếu lực lượng công nhân có trình độ. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ không đồng đều trong khi các thị trường quốc tế ngày càng siết chặt các chuẩn mực về kỹ thuật, sức khỏe, môi trường và kiểm dịch.

Trao đổi với VOA Việt ngữ, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ tiểu bang California, Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam có được tăng trưởng cao như thế là nhờ vào xu thế từ năm 2015 khi giới đầu tư thế giới từ bỏ Trung Quốc để tìm nơi có nhân công rẻ hơn, chẳng hạn như hãng Samsung của Hàn Quốc hay Intel của Mỹ đều đã mở nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, so với các nước đông nam Á khác phát triển hơn, Việt Nam đi sau nên ‘tốc độ phát triển lúc nào cũng cao hơn’, ông Nghĩa nói.

Khi được hỏi thương chiến Mỹ-Trung có góp phần thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng như thế không, ông Nghĩa cho rằng đó là ‘gia tốc để thúc đẩy sự chuyển động mạnh hơn’ nhưng xu thế là đã có từ trước.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong tương lai Việt Nam không thể dựa mãi vào nhân công giá rẻ để làm đòn bẩy cho xuất khẩu nữa mà phải nâng cao trình độ công nghệ của lao động trong nước.

Về tiêu dùng nội địa, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam có lợi thế là có thị trường nội địa với dân số đông gần cả trăm triệu người. Ông cho rằng Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2018 một phần ‘là nhờ vào sự điều hành của chính phủ’.

Vẫn theo kinh tế gia này, Việt Nam nên mạnh dạn cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân vì chính họ mới là lực đẩy chính của kinh tế đất nước.

“Chính phủ Việt Nam nên xem việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân là ưu tiên (để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu),” ông nói và cảnh báo Việt Nam không nên quá lạc quan.